Thừa Thiên Huế: 47% vụ tai nạn có lỗi từ phía người sử dụng lao động
(Dân trí) - Thống kê về tai nạn lao động (TNLĐ) của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, 47 % nguyên nhân để xảy ra TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn tại các công trình.
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, có 18 vụ chết 18 người, bị thương 2 người, trong đó 12 vụ TNLĐ chết người.
Điển hình một số vụ TNLĐ chết người như: Vụ tai nạn ngày 5/6/2019 tại công trình cầu Vân Dương, phường Xuân Phú, TP Huế, nạn nhân ông Hoàng Quang Tr. (SN 1966, công nhân Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế) bị tai nạn trong khi đang thi công khoan cọc nhồi; Vụ tai nạn ngày 3/4/2020 tại công trình xây dựng Nhà phức hợp cao tầng, dự án Khu Văn phòng và Nhà ở (Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Minh Điền VITAL) ở lô LK2, khu A, khu đô thị mới An Vân Dương, người bị nạn chết là ông Võ Ngọc Th. (SN 1969, nhân viên bảo vệ)...
Theo ông Phan Quang Trung - Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, 47% các vụ TNLĐ chết người là do người sử dụng lao động.
Cụ thể, do người sử dụng lao động không xây dựng hoặc xây dựng nhưng thực hiện không đầy đủ quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Người sử dụng lao động cũng không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động hoặc do điều kiện lao động tại nơi làm việc không đảm bảo an toàn…
Theo ông Trung, các doanh nghiệp tại Huế phần lớn là vừa và nhỏ nên kinh phí triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động còn ít. Hơn nữa, một số chủ thầu xây dựng xét các điều kiện về kinh tế, nhân lực, hiểu biết pháp luật về an toàn lao động còn hạn chế.
"Các công trình xây dựng do chạy theo lợi nhuận, giá nhận thầu để giảm thiểu chi phí nên nhiều đơn vị thi công, nhà thầu thực hiện không đầy đủ quy định pháp luật cũng là nguyên nhân gây ra TNLĐ", ông Trung nhấn mạnh.
Ông Trung cũng cho rằng, người sử dụng lao động còn thiếu sót trong xây dựng nội quy, không đặt các biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực có nguy cơ gây mất an toàn lao động.
Người sử dụng lao động cũng không thực hiện đầy đủ biện pháp thi công an toàn, che chắn bảo vệ tại những vị trí nguy hiểm. Việc giám sát an toàn tại nơi làm việc chưa được thực hiện thường xuyên.
Sở LĐ-TB&XH cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị. Sở yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như cần trục tháp, máy vận thăng, thang máy điện, thang cuốn, băng tải chở người...
Các đơn vị cũng phải tăng cường tổ chức, huấn luyện cho người lao động biết cách phòng chống TNLĐ chết người.
Đại Dương