Thừa cử nhân ngành ngân hàng, tài chính: Hệ lụy từ tâm lý “thoát nông”

Là một nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng kỹ sư nông nghiệp giỏi nghề lại thiếu, trong khi đó cử nhân ngân hàng, tài chính, kế toán... được đào tạo tràn lan và cứ ra trường là... thất nghiệp. Thực trạng này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 được Bộ GDĐT tổ chức cuối tuần qua.

Đây cũng là điều trăn trở suốt nhiều năm qua của những người làm công tác định hướng tuyển sinh. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Quốc Cường (ảnh) - chuyên viên tuyển sinh của Bộ GDĐT về vấn đề này.

Thực trạng tuyển sinh của khối ngành nông, lâm, ngư tại các trường ĐH -CĐ những năm qua có gì khởi sắc không?

Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam có quá nhiều cử nhân tài chính, ngân hàng (ảnh minh họa).  I.T
Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam có quá nhiều cử nhân tài chính, ngân hàng (ảnh minh họa). I.T

- Khối ngành nông, lâm, ngư được đào tạo tập trung ở một số trường ĐH lớn như, phía Bắc có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Thái Nguyên, ở miền Nam có ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh... và một số trường khác. Nhu cầu đào tạo chủ yếu phục vụ nhân lực các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Đông...

Từ năm 2014 trở về trước khối ngành này mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, điểm chuẩn cũng thuộc "top" thấp nhất (điểm chuẩn cao nhất là hơn điểm sàn của bộ từ 2 - 3 điểm) nhưng rất ít học sinh đăng ký xét tuyển, năm nào khối ngành này cũng tuyển sinh rất khó khăn.

Có những năm, một số trường buộc phải đóng cửa ngành học vì không tuyển đủ sinh viên. Bắt đầu từ năm 2015 trở lại đây, tình hình tuyển sinh bắt đầu thấy khá hơn, các em đã tập trung xét tuyển vào một số ngành như nông học, nuôi trồng thủy sản, thú y và lâm nghiệp... Tuy nhiên, lượng sinh viên ra trường vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường ở những khu vực đặc thù.

Phải chăng, cơ hội việc làm sau khi ra trường khó khăn là "rào cản" khiến các em không thiết tha với những ngành học này?

"Ở một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp, hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" vất vả với đồng ruộng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ cha mẹ. Tâm lý muốn con cái "thoát ly" khỏi đồng ruộng khiến phụ huynh luôn nghĩ rằng phải định hướng cho con học những ngành gì như kế toán, tài chính, ngân hàng....” - Ông Nguyễn Quốc Cường

- Hoàn toàn không phải như vậy. Nhóm ngành nông, lâm, ngư hiện nay đang thuộc "top" 8 ngành học có nhu cầu nhân lực cao nhất nước và dễ xin việc nhất trong tương lai.

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư sẽ tăng từ 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020, như vậy đến năm 2020, nguồn nhân lực ngành nông, lâm, ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Thống kê của Bộ NNPTNT cũng cho thấy, mỗi năm cả nước cần trên 1 triệu lao động ngành nông, lâm, ngư nhưng đội ngũ cán bộ chỉ có khoảng 9% có trình độ ĐH- CĐ; 39,4% trình độ trung cấp và 9,8% sơ cấp.

Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, mặc dù nước ta đang phát triển công nghiệp nhưng vẫn là 1 nước trụ cột là nông nghiệp. Lực lượng lao động trong lĩnh vực này hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn. Để phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao, hiện Nhà nước, các doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn vào ngành này.

Vậy theo ông, nguyên nhân chính của việc "cung" vẫn chưa gặp "cầu" ở nhóm ngành này là vì đâu?

- Trước hết là tâm lý của phụ huynh và thí sinh. Ở một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp, hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" vất vả với đồng ruộng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ cha mẹ. Chính vì vậy, họ lo lắng khi đầu tư cho con mình học 4 năm ĐH rồi lại phải trở về với bùn đất, ruộng đồng. Tâm lý muốn con cái "thoát ly" khỏi đồng ruộng khiến phụ huynh luôn nghĩ rằng phải định hướng cho con học những ngành gì như kế toán, tài chính, ngân hàng... ngồi bàn giấy, làm hành chính thì mới không vất vả.

Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định chọn trường của các thí sinh. Thực tế, có rất nhiều công việc thuộc nhóm ngành này không quá vất vả như mọi người nghĩ. Ví dụ: Nhóm ngành công nghệ sinh học, công nghệ chế biến tinh, quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sau thu hoạch... Các ngành học này hầu hết làm việc trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu chứ không phải ra đồng, xuống ruộng như họ nghĩ.

Vậy theo ông, giải pháp nào để tìm lại sự cân bằng trong cơ cấu đào tạo của các trường ĐH để tránh tình trạng lãng phí về nguồn lực trong khi nơi thiếu vẫn thiếu?

- Vấn đề này rất nhiều năm qua trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác tư vấn tuyển sinh. Hiện, ngoài việc tăng cường công tác tư vấn, định hướng ngành nghề cho thí sinh, các trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực hàng năm vẫn nghiên cứu và đưa ra những cảnh báo cho thí sinh và phụ huynh về những ngành nghề đang dư thừa nhân lực, tỷ lệ thất nghiệp cao, những ngành nghề có nhu cầu cao trong 5 - 10 năm tới để các em có những quyết định đúng đắn.

Ngoài ra, phân bổ chỉ tiêu 1 số ngành dư thừa nhân lực cũng đã được Bộ GDĐT hạn chế dần, ví dụ ngành sư phạm, kế toán, ngân hàng... Lời khuyên cho thí sinh là cần căn cứ vào cảnh báo về thị trường lao động để chọn ngành nghề xét tuyển vào các trường ĐH- CĐ để không rơi vào bẫy thất nghiệp sau khi ra trường.

Theo Tùng Anh/Danviet.vn