Thủ tướng Chính phủ: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”

(Dân trí) - “Cha ông xưa có câu “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” hay “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Điều này cho thấy giáo dục nghề nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển của quốc gia trong quá trình chuyển đổi…”

Thủ tướng Chính phủ: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. (Ảnh: Quân Đỗ).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục nghề nghiệp tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 16/11 tại Hà Nội.

Nguồn lực không phải là “rừng vàng, biển bạc”

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao mối liên hệ giữa giáo dục nghề nghiệp và cạnh tranh, tăng năng suất lao động trong bối cảnh hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng.

Đặc biệt điều này có ý nghĩa với những nước đang phát triển và năng suất lao động còn thấp như Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, việc giao cho Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp.

“Nguồn lực Việt Nam không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà là gần 100 triệu người dân, trong đó kỹ năng lao động, năng lực nghề nghiệp của người lao động là yếu tố quyết định cho sự phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Không chỉ là mối quan tâm trong nước, giáo dục nghề nghiệp là vấn đề mang tính toàn cầu.

Thủ tướng tham gia và phát biểu tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” (Video: Trọng Trinh)

Thủ tướng chia sẻ, từ kinh nghiệm thành công của phát triển của các quốc gia phát triển cho thấy, khi các điều kiện khác không thay đổi thì việc tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định và sự gắn kết doanh nghiệp chặt chẽ là một trọng tâm phát triển nền kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá, trong những năm gần đây, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều bước chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận.

“Chúng ta đã xác định được 130 nghề trọng tâm, 40 trường nghề chất lượng cao, nhiều trường có chất lượng tốt. Trong 3 năm gần đây, tuyển sinh các trường nghề vượt chỉ tiêu. Tỷ lệ người học nghề ra trường có việc làm đạt trên 85%, nhiều nghề lên tới 100%” - Thủ tướng ghi nhận.

Tuy nhiên từ năm 2013, quy mô lực lượng lao động Việt Nam đã bắt đầu giới hạn so với quy mô của nền kinh tế.

Điều này cho thấy, mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng của lực lượng lao động đã trở thành vấn đề sống còn, cải thiện nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Cần thay đổi nhận thức

Bên cạnh việc đánh giá những ưu điểm, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu ra nhiều thách thức, tồn tại cần điều chỉnh trong công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” - 2

Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức thể hiện sự cam kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường trong đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. (Ảnh Quân Đỗ)

“Tỷ lệ lao động Việt Nam qua đào tạo có bằng cấp chứng mới đạt hơn 22%, bằng 1/3 của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Chất lượng đào tạo có sự chuyển biến nhưng chưa vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường” - Thủ tướng nhận định.

Trong khi đó, các trường nghề đông nhưng số trường đạt chuẩn quốc tế còn thấp nên mất dần thế cạnh tranh. Học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp còn yếu về năng lực, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động.

Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các thầy, cô giáo trên mọi miền tổ quốc, đặc biệt là gần 90.000 thầy, cô giáo đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển nhiều năm, nhưng mới được quy hoạch về 1 đầu mối quản lý nhà nước cách đây hơn 2 năm. Do đó, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp về tổng thể còn gặp tình trạng “vá víu”, chưa đồng bộ giữa các trường nghề.

Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thiết kế dự thảo chỉ thị trình Chính phủ phê duyệt về cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay” - 3
Thủ tướng tham quan khu vực trưng bày của các cơ sơ giáo dục nghề nghiệp (Ảnh Quân Đỗ)

Các tỉnh, thành cần có chính sách ưu tiên cho các dự án có sự phối hợp giữa cơ sở GDNN của địa phương và DN.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan đề xuất: Các mô hình mới về đào tạo nghề, thí điểm học sinh học hết THCS vào học cao đẳng nghề, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình chuyển giao từ nước ngoài và đẩy nhanh việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo luật định.

Các bộ, ngành xây dựng dữ liệu mở giáo dục nghề nghiệp quốc gia để có dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm, đào tạo theo lĩnh vực ngành nghề, cấp trình độ đào tạo.

“Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam còn cần sự thay đổi trong nhận thức của các bậc phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp và tổ chức chính trị xã hội về vị trí, vai trò, nhân lực có kỹ năng nghề nhằm phát triển kinh tế” - Thủ tướng lưu ý.

Hoàng Mạnh