Thủ tục nghỉ hưu và điều chỉnh tên trong bằng tốt nghiệp

Tôi là giáo viên trường tiểu học ở Thanh Hóa. Xin hỏi chuyên mục: Khi làm chế độ nghỉ hưu thì cá nhân cần trình các loại hồ sơ nào?


Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Ngoài ra, bằng tốt nghiệp của tôi có tên lót không trùng khớp với hồ sơ viên chức (gồm quyết định tuyển dụng, sổ bảo hiểm, chứng minh thư, sổ hộ khẩu…) Vậy, trường hợp của tôi phải giải quyết như thế nào? – Nguyễn Bá Thước (bathuoc***@gmail.com).

* Trả lời:

Bạn có thể hỏi người phụ trách chế độ bảo hiểm của đơn vị hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội mà bạn đang tham gia để được giải đáp thỏa đáng về chế độ, hồ sơ, thủ tục nghỉ hưu.

Theo quy định thì hiện nay, thủ tục nghỉ hưu được áp dụng theo Điều 40 Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Cụ thể:

- Thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 của tháng liền kề sau tháng viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

- Thời điểm nghỉ hưu được tính lùi lại khi có một trong các trường hợp sau:

+ Không quá 1 tháng đối với một trong các trường hợp: Thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; viên chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con từ trần, bị Tòa án tuyên bố mất tích; bản thân và gia đình viên chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn;

+ Không quá 3 tháng đối với trường hợp bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện;

+ Không quá 6 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện.

- Viên chức được lùi thời điểm nghỉ hưu thuộc nhiều trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì chỉ được thực hiện đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định việc lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

- Trường hợp viên chức không có nguyện vọng lùi thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều này thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý viên chức giải quyết nghỉ hưu theo quy định tại Điều này.

- Trước 6 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để viên chức biết và chuẩn bị người thay thế.

- Các quy định liên quan đến quyết định nghỉ hưu:

+ Trước 3 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức phải ra quyết định nghỉ hưu;

+ Căn cứ quyết định nghỉ hưu quy định tại Điểm a Khoản này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phối hợp với tổ chức bảo hiểm xã hội tiến hành các thủ tục theo quy định để viên chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu;

+ Viên chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận ít nhất trước 3 ngày làm việc tính đến thời điểm nghỉ hưu;

+ Kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu, viên chức được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Vấn đề thứ hai bạn quan tâm, theo chúng tôi, bạn có điều chỉnh tên lót trong văn bằng tốt nghiệp sao cho trùng khớp với hồ sơ viên chức và các giấy tờ tùy thân khác. Cụ thể: Bạn có thể đến đơn vị trường học mà đã cấp bằng tốt nghiệp cho bạn để hỏi về quy trình thủ tục và được hướng dẫn cụ thể.

Xin được viện dẫn thêm để bạn tham khảo, đó là: Việc điều chỉnh tên lót trong văn bằng được áp dụng theo Quy chế Văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (Ban hành kèm theo Quyết định số: 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) và Thông tư số: 22/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT”.

Theo Báo Giáo dục Thời đại