Thứ trưởng Lê Quân: “Lao động nhận hỗ trợ trong tháng 4, 5 mới có ý nghĩa”
(Dân trí) - “Lao động tự do mất việc trong tháng 4, 5. Gói hỗ trợ đến càng sớm càng tốt. Nếu sang tháng 6, ý nghĩa giảm đi nhiều” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nói tại thị trấn Chi Lăng (Lạng Sơn).
Sáng 15/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Quân dẫn đầu đã tới tìm hiểu công tác rà soát, lập danh sách và chi trả tới người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại huyện và thị trấn Chi Lăng (Lạng Sơn).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh việc Chính phủ đã ban hành đầy đủ các căn cứ pháp lý cho công tác triển khai việc hỗ trợ, đó là Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Đây là cơ sở để các địa phương linh hoạt triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Lê Quân đánh giá cao công tác rà soát, lên danh sách và chi trả tới nhóm người có công với cách mạng, người nhận bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Tới thời điểm này, huyện Chi Lăng đã hoàn thành tới 99 % việc chi trả tới 4 nhóm đối tượng nêu trên.
“Bên đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng rất muốn nắm tình hình hỗ trợ cho lao động tự do mất việc và hộ kinh doanh. Bởi lao động tự do là nhóm bị ảnh hưởng và giảm thu nhập sâu nhất” - Thứ trưởng cho biết.
Chú trọng việc việc niêm yết danh sách hưởng hỗ trợ tại thôn, bản
Thứ trưởng Lê Quân lưu ý: “Đây là nơi để người dân tại địa phương cùng theo dõi và kiểm chứng việc lên danh sách xem những đối tượng được hỗ trợ có xứng đáng hay không”.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý việc rà soát và hỗ trợ cần triển khai nhanh chóng, đẩy nhanh tiến độ mới đáp ứng được ý nghĩa thực tế.
Thứ trưởng Lê Quân nói: “Với mức hỗ trợ cho lao động tự do là 1.000.000 đồng/tháng, kéo dài tối đa 3 tháng. Nếu chúng ta không hỗ trợ trong lúc người lao động tự do trong khó khăn nhất mà chờ tới hết tháng 5 tháng 6 mới thực hiện thì ý nghĩa của việc hỗ trợ sẽ giảm đi nhiều”.
Thứ trưởng lưu ý, việc người lao động tự do nếu có hộ khẩu ở 1 tỉnh nhưng lại nhận hỗ trợ ở một tỉnh khác phải cần sự xác nhận của 2 nơi, nhằm tránh trường hợp trục lợi. Ngoài ra, trường hợp người lao động tự do cũng thuộc nhóm hộ nghèo hoặc cận nghèo và chỉ muốn nhận theo chế độ đó thì sẽ được sớm giải quyết.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đinh Hữu Học - Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, cho biết “Tính tới nay, huyện có 665 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gồm người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động tự do, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp...”.
Ông Đinh Hữu Học cũng cho biết, do thời gian rà soát gấp nên không tránh khỏi sự trùng lắp các đối tượng, thiếu thừa nhân khẩu hộ nghèo, cận nghèo so với kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019 của huyện.
Về kiến nghị, ông Đinh Hữu Học cho biết tỉnh cần sớm ban hành quyết định hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc thuộc các nhóm ngoài ngành nghề được quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.
Đồng thời, huyện rất Bộ cần tăng cường chỉnh lý và bổ sung bộ câu hỏi đáp về giải đáp việc rà soát, chi trả tới các nhóm người dân được hỗ trợ.
Từ 20/5: Chi hỗ trợ tới nhóm người lao động mất việc, lao động tự do
Theo ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: Tới 15/5, tỉnh đã hoàn thành về cơ bản việc hỗ trợ tới 4 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo với số tiền khoảng 191 tỷ đồng.
Các nhóm đối tượng người lao động, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động đang được thống kê rà soát tại nơi khu dân cư, UBND các xã, phường, thị trấn. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và người dân cần tăng giám sát trong quá trình thực hiện chế độ chính sách. Tới ngày 20/5, tỉnh sẽ triển khai chi trả tới nhóm đối tượng trên.
Hoàng Mạnh