Nam Định:
Thu tiền tỉ từ hoa hồng, ông chủ 8X tạo việc làm cho lao động quê nhà
(Dân trí) - Sau thời gian vào thành phố Hồ Chí Minh làm nghề chăm sóc cây cảnh thuê, anh Trọng quyết định về quê nhà Nam Định để đầu tư trồng hoa hồng. Giờ đây, anh Trọng đã có hơn 3 vạn cây hoa hồng các loại, thu nhập tiền tỉ từ việc bán hoa hồng và tạo thêm việc làm ổn định cho lao động nông thôn.
Về xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, không ai không biết đến anh Phạm Văn Trọng (SN 1983) - ông chủ của hơn 3 vạn cây hoa hồng có giá trị kinh tế cao. Từ một người rời xa quê hương vào tận thành phố Hồ Chí Minh để làm nghê chăm sóc vườn hoa, cây cảnh thuê. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh Phạm Văn Trọng đã về quê mua đất, hoa giống về trồng.
Anh Trọng cho biết, vào năm 2002, anh rời quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh làm nghề chăm sóc vườn hoa, cây cảnh thuê. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm và nhận thấy ở miền Bắc thị trường cây cảnh đang phát triển, anh quyết định về quê để trồng cây cảnh bonsai vào năm 2015.
Sau 3 năm “kết bạn” với hoa hồng, anh Trọng hiện có 3 vạn gốc cây hoa hồng các loại. Nhờ trồng hoa hồng, mỗi năm anh ổn định kinh tế và còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Nhận thấy hoa hồng ngoại phát triển tốt và hợp khí hậu Việt Nam, anh Trọng mua 40 cây hoa hồng Thái Lan về trồng và bắt đầu chiết cành, nhân rộng. Anh Trọng còn mua thêm giống hoa hồng nội về trồng. Đến năm 2014, anh Trọng bán được khoảng 600 cây hoa hồng với giá bán 300 nghìn đồng/cây.
Đến năm 2015, anh Trọng chiết và nhân rộng lên tới 5.000 cây hoa hồng để phục vụ người chơi hoa dịp Tết và con số bắt đầu tăng lên theo thời gian. Tới nay, số hoa hồng của anh lên đến hơn 3 vạn cây, gồm cả hoa hồng nội và ngoại. Trong đó có khoảng 200 giống hồng ngoại quý hiếm như: Hồng Juliet, Julio, Jubilee, Abraham, Alexander of kent,…
Anh Trọng cho biết, hoa hồng vốn ít sâu bệnh, rất dễ chăm sóc và dễ sống nên người làm khá nhàn. Khi trồng không nên trồng cây quá thấp, thân cây phải cách mặt đất trên 20cm cho cây đỡ bị nghẹt, muốn cây hoa hồng phát triển tốt phải làm đất theo tỷ lệ: 30% đất trồng hoa; đất ải, xơ dừa, phân ủ mục, cát vàng hoặc xỉ than (mỗi loại 20%). Dùng phân hữu cơ kết hợp với phân NPK để tưới cho cây.
Hiện tại, hoa hồng gốc nhỏ (tuổi đời khoảng 2 năm) được bán với giá 200 - 1 triệu đồng/gốc, gốc hồng có tuổi đời lâu năm có giá đến 10 triệu đồng/1 gốc. Chính nhờ giá trị cao, nên mỗi năm anh Trọng thu được 1 tỷ đồng, con số này còn tăng lên trong những năm tới.
Anh Trọng cho biết: “Hiện vườn nhà tôi có một số cây có tuổi đời hàng chục năm như: Hồng điều, vân khôi, sa pa...tôi chưa muốn bán, nhiều lúc tôi phải ngắt bỏ hoa đi để nhiều người đừng hỏi mua”.
Chia sẻ quan điểm về khởi nghiệp, tạo việc làm nơi quê nhà, anh Phạm Văn Trọng cho biết đây là hướng đi thiết thực của thanh niên, nhằm qua đó giúp quê nhà phát triển kinh tế cũng như giảm sức ép về việc làm, thất nghiệp tại các đô thị.
“Bạn trẻ nếu có điều kiện thì có thể đi học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay ở nơi này, nơi khác. Tuy nhiên khi đã hội tụ một số điều kiện và có nhu cầu khởi nghiệp, theo tôi nên chọn con đường lập nghiệp tại quê nhà. Điều này vừa tạo tâm lý ổn định cho gia đình, giúp địa phương phát triển kinh tế và tạo thêm nguồn việc làm cho lao động địa phương”.
Đức Văn
Tin liên quan:
Đà Nẵng: Tổ chức ngày hội tư vấn nghề nghiệp cho lao động trẻ
Ngày 21/5, tại Đà Nẵng, Sở LĐ-TB&XH cùng Sở GD&ĐT, Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức Ngày hội tư vấn nghề nghiệp năm 2017. Chương trình thu hút khoảng 5.000 lao động trẻ.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức ngày hội về việc làm, tư vấn nghiệp sau khi các trường cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp được chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH. Theo phòng Dạy nghề, (Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, thành phố có 63 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô đào tạo khoảng 72.000 học viên/năm với 200 ngành nghề khác nhau. Hàng năm, một số lượng không nhỏ người lao động có nghề tham gia thị trường lao động của thành phố. Thông qua Ngày hội tuyển sinh, học sinh các trường nghề có thêm cơ hội và định hướng tương lai nghề nghiệp, đồng thời các bậc phụ huynh của học sinh cuối cấp THPT cũng có cách nhìn nhận đúng về nghề nghiệp trong tương lai của con em mình. “Nhiều trường hợp phụ huynh muốn con mình vào ĐH bằng được nhưng ra trường đi làm công nhân. Các em lạim ất thêm thời gian, tiền bạc để đào tạo lại. Trong khi đó các em có thể học nghề phù hợp để có việc làm ngay, nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình” - bà Kiều Thị Thanh Trang (Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH) cho biết.
P.A
Khảo sát hơn 2.000 doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng
Đây là kết quả triển khai của Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi, Sở LĐ-TB&XH TP HCM) thực hiện trong tháng 5/2017.
Trong số 2.000 doanh nghiệp nêu trên, Falmi đã khảo sát trực tiếp 700 doanh nghiệp, gián tiếp 1.300 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp từng có nhu cầu tuyển dụng lao động thời gian qua. Các chỉ số khảo sát tập trung vào số lượng, nhu cầu tuyển dụng, ngành nghề cũng như mức lương, chế độ đãi ngộ…Thông qua kết quả khảo sát, Falmi đang xây dựng báo cáo phân tích và lập kế hoạch khảo sát đợt tiếp theo trong năm 2017. Bên cạnh đó, trong tháng 5/2017, Falmi còn thực hiện công tác thông tin thị trường lao động và nhu cầu việc làm tại các trường, sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tới khoảng 25.000 lượt người. Ước tính chung trong 5 tháng thực hiện, Falmi đã thông tin thị trường tới 130.789 lượt người đạt 56,5% kế hoạch năm, trong đó 55% lao động nữ và trên 70% trong độ tuổi thanh niên. Cũng trong 5 tháng, Falmi cũng thực hiện tư vấn hướng nghiệp tại 185 trường Trung học phổ thông cho 231.463 học sinh đạt 77% trong đó 58% lao động nữ và 100% trong tuổi thanh niên…
N.H