Thủ phủ đá quý Lục Yên "sống dậy" nhờ những bức tranh xuất ngoại
Từ cuối thập kỷ 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã được biết đến là thủ phủ của các loại đá quý, đặc biệt là đá ruby.
Từ nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm này, với bàn tay tài hoa và óc sáng tạo, người dân nơi đây đã tạo nên những bức tranh đá quý đủ màu sắc, độc đáo, tinh xảo.
Nghề của sự tỉ mỉ
Ruby Lục Yên được đánh giá là đẹp so với ruby của các nước trong khu vực với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Tận dụng những mảnh vụn dồi dào trong lúc khai thác hoặc khi chế tác, những nghệ nhân tài hoa của vùng đất này đã tạo nên những bức tranh đá quý tinh xảo, độc đáo, được đông đảo người chơi tranh trong và ngoài nước đón nhận.
Với nhiều cơ sở sản xuất tranh đá quý nổi tiếng, cuối năm 2019, nghề làm tranh đá quý Lục Yên đã được tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề truyền thống.
Đây là cơ hội để Lục Yên phát huy giá trị của nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, văn hóa, làng nghề tranh đá quý còn góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Vì vậy, phát triển và duy trì làng nghề truyền thống này sẽ là một hướng đi bền vững của địa phương.
Theo chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở Hồng Ngọc, quy trình để tạo nên một bức tranh đá quý đòi hỏi nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ. Khâu đầu tiên là rửa đá cho sạch tạp chất bên ngoài, tiếp đó là cho đá vào cối giã. Giã xong dùng sàng nhỏ để lọc ra những viên còn to, chưa đạt yêu cầu thì tiếp tục giã lại.
Chị Hằng cho biết: “Chọn nguyên liệu đá cho tranh là khâu quan trọng bởi những viên đá có độ chuẩn và đẹp sẽ góp phần tạo nên những bức tranh có giá trị cao, hoặc tùy vào yêu cầu của khách đặt tranh”.
Cũng giống như họa sĩ, người làm tranh đá quý phải biết pha màu từ những hạt đá to, nhỏ để trộn ra gần 300 màu khác nhau. Điều đặc biệt là nguyên liệu chính phải là đá màu tự nhiên, nếu sử dụng đá nhuộm phẩm màu sẽ không thể làm ra được tranh.
Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ việc sơ chế đá, chuốt đá, nghiền đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ. Một bức tranh đá quý khổ nhỏ, trung bình, phải mất từ 2-3 ngày mới hoàn thành.
Còn với những bức tranh cỡ lớn, nhiều họa tiết, có khi phải mất cả tuần. Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng phối cảnh của họa sĩ với đôi bàn tay khéo léo của thợ ghép đá, chăm chút công phu từng họa tiết.
Ruby Lục Yên được đánh giá là đẹp so với ruby của các nước trong khu vực với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Với nhiều cơ sở sản xuất tranh đá quý nổi tiếng, cuối năm 2019, nghề làm tranh đá quý Lục Yên đã được tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cơ sở sản xuất tranh đá quý Giếng Ngọc (thị trấn Yên Thế) chia sẻ: “Nguyên liệu chính của tranh đá là đá quý được đào dưới lòng đất, với cách pha màu độc đáo, đã tạo ra được nhiều dòng tranh độc đáo. Không thể dùng phẩm màu để làm tranh vì khi nhỏ keo nhiệt độ cao sẽ làm trôi màu nhuộm”.Chính bởi sự độc đáo này, tranh đá quý Lục Yên đã tạo nên thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Và cũng chỉ ở Lục Yên mới có những thợ làm tranh lành nghề từ hàng chục năm nay với những tác phẩm độc nhất vô nhị.
Tranh xuất ngoại thu ngoại tệ
Giờ đây, tranh đá quý ở Lục Yên không chỉ dừng lại ở một số mẫu tranh dân gian đơn thuần như tranh Đông Hồ, chữ thư pháp… mà ngày càng xuất hiện những bức tranh khổ lớn, làm theo đơn đặt hàng của khách phỏng theo các tác phẩm nổi tiếng thế giới.
Những sản phẩm tranh đá quý Lục Yên với mức độ tinh tế nhiều năm nay đã có mặt tại Hà Nội hay các thành phố lớn, thậm chí được xuất khẩu ra nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Nhờ đó, doanh thu mỗi năm từ nghề làm tranh đá tại huyện Lục Yên lên tới gần 50 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Đại - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự khi nghề làm tranh đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề làm tranh đá quý không những mang lại thu nhập cao mà còn giúp thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các hộ gia đình làm tranh cần duy trì và nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường nhằm nâng cao giá trị tranh đá và thu nhập cho người dân”.
Theo Hoàng Hữu/Danviet.vn