1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nhọc nhằn nghề “ô sin” bệnh viện

Cứ đến Tết Nguyên đán, khi mọi người quây quần trong không khí gia đình ấm cúng, thì đâu đó trong các bệnh viện, vẫn có những người phải xa gia đình lầm lụi mưu sinh bằng nghề chăm sóc người bệnh. Họ là những “ô sin” bệnh viện - một nghề vất vả và đối mặt với nhiều rủi ro...

Luôn tận tâm với nghề

Trong vai tìm người trông bệnh nhân ngày Tết, phóng viên Báo Hànộimới gọi tới số điện thoại 0975203… của chị Lê Thị Cúc (ở xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) - người được xem là “trùm” môi giới trong nghề. Chị Cúc hẹn gặp tôi tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi chị đang chăm sóc bệnh nhân.

Biết tôi cần tìm người trông bệnh nhân ngay ở Khoa Hồi sức cấp cứu cùng bệnh viện, chị Cúc cho biết, giá dịp Tết tăng cao, lại là ca cấp cứu nặng nên “trọn gói” 13 triệu đồng/10 ngày Tết.

Nhọc nhằn nghề “ô sin” bệnh viện - 1

Chăm sóc người bệnh tại bệnh viện là công việc rất vất vả. Ảnh: Ái Linh

Chị Cúc giải thích: "Giá trông người bệnh cao là do nghề này đòi hỏi kỹ năng của một hộ lý". Để chứng minh, chị Cúc dẫn tôi vào xem một “ô sin” đang chăm bệnh nhân trong phòng, tận mắt chứng kiến các thao tác lau rửa, đặt máy ăn xông, thay bông băng… rất chuyên nghiệp.

Nhu cầu thuê người trông nom bệnh nhân ngày thường đã nhiều, nhưng thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, nhu cầu này luôn tăng cao. Tại các Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn... luôn có hàng chục lao động làm nghề chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ.

Để có được một “ô sin” ưng ý, nhiều gia đình tìm đến người môi giới, cũng là “ô sin” bệnh viện. Theo chị Đỗ Thanh Tú, ngõ 379 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), nếu ngày thường, giá thuê 350.000-500.000 đồng/ngày, thì vào dịp Tết tăng lên 1,2-1,5 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, theo chị Tú, dù có thu nhập cao song công việc của họ vô cùng vất vả. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Sinh (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), người trông bố chị Tú bị bệnh nan y phải mổ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

"Bố tôi vốn là người khó tính, lại đang mang bệnh. Thời gian đầu chưa quen giờ giấc, cả đêm thức chăm sóc cụ…, chị Sinh thấy quá vất vả định nghỉ việc. Nhưng được sự động viên và nghĩ đến gia cảnh còn khó khăn, trong khi mức thu nhập 400.000 đồng/ngày không dễ gì kiếm được nên chị ấy đã tiếp tục công việc...", chị Tú chia sẻ. 

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thêm (thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) tâm sự: "Trong 3 năm làm nghề, có rất nhiều niềm vui, nỗi buồn. Như trường hợp một bệnh nhân tâm thần tôi chăm sóc ở Bệnh viện Thanh Nhàn hồi tháng 3-2019 thường vu oan cho tôi là ăn cắp, đánh đập họ. Rất may, người nhà bệnh nhân luôn tin tưởng, động viên để tôi tiếp tục làm việc".

Hẹn gặp chúng tôi ngay tại nhà một bệnh nhân đang sống ở ngõ 49 Linh Lang (quận Ba Đình), anh Đinh Văn Bắc (ở xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, anh vừa chăm sóc cụ ông gần 80 tuổi mổ cột sống ở Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong 15 ngày.

Thấy anh làm việc tận tâm, chuyên nghiệp, con cháu của cụ tiếp tục thuê anh về chăm tại nhà với giá 12 triệu đồng cho 10 ngày Tết và tháng tiếp theo là 10,5 triệu đồng.

"Chăm bệnh nhân nằm viện muốn ngủ một giấc thật say là điều rất khó khăn. Nên mỗi khi có dịp về nhà, ước mơ duy nhất là được ngủ một giấc ngon lành, được ăn bữa cơm rau vợ nấu. Tết năm nay là cái Tết thứ 6 tôi vắng nhà...", anh Bắc bộc bạch. 

Và những "góc khuất"...

Nhắc tới những rủi ro nghề nghiệp, khuôn mặt chị Lê Thị Cúc (xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chùng xuống, bao nỗi niềm như được dịp giãi bày. Chị Cúc kể, chị có người em họ tên L.T.L lên Hà Nội làm “ô sin” ở Bệnh viện Phổi trung ương từ năm 2012.

Sau 2 năm chăm sóc bệnh nhân, dù đã tự trang bị và áp dụng biện pháp phòng hộ, song chị L vẫn bị lây nhiễm bệnh lao. Sau đó, chị đã nghỉ việc và chạy chữa khắp nơi, nhưng do bệnh ngày càng trở nặng, năm 2017 chị L qua đời.

Nhọc nhằn nghề “ô sin” bệnh viện - 2

Người giúp việc chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Chính những rủi ro nghề nghiệp rất dễ gặp phải nên trong giới “ô sin” bệnh viện vẫn rỉ tai nhau cách tự bảo vệ an toàn bằng việc từ chối chăm sóc bệnh nhân mắc một số bệnh dễ lây nhiễm, nhất là các bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp.

“Đặc biệt là với chúng tôi, những người tiếp xúc trực tiếp hằng ngày với bệnh nhân, chỉ cần sơ sẩy, chúng tôi có thể mắc bệnh ngay”, anh Lê Thanh Hải, 35 tuổi, quê ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) với 7 năm trong nghề “ô sin” bệnh viện cho hay.

Với anh Hải, điều may mắn là ngay từ ngày đầu bước chân vào nghề chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, anh đã được tham gia lớp học về y tế cộng đồng, được hướng dẫn cách chăm sóc và phòng chống phơi nhiễm từ bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm…

Những kiến thức đó giúp anh tự tin ngay cả khi nhận chăm sóc cho bệnh nhân có HIV hay bệnh nhân mắc lao phổi… 

Nghề “ô sin” bệnh viện tuy cơ cực nhưng do có thu nhập cao nên sự cạnh tranh trong nghề cũng vô cùng lớn. Theo anh Lê Thanh Hải, mỗi bệnh viện thường có khoảng vài nhóm “ô sin”, đa số là người quen biết, cùng quê. Vì thế, tính cộng đồng trong mỗi nhóm rất cao.

Dù vậy, để được gia nhập nhóm, người mới thường khá chật vật và phải có sự giới thiệu của “đồng nghiệp” để được làm việc. Nếu là thành viên cùng nhóm, công việc được chia đều cho từng người. Còn khi khác nhóm thì sự cạnh tranh bằng giá cả diễn ra khá rõ nét... 

Còn theo anh Đinh Văn Bắc (xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), làng anh trước đây có 10 nam giới làm nghề "ô sin" bệnh viện nhưng nay chỉ còn 3 người bám trụ. Lý do là có nhiều người làm nghề kiếm được tiền công không thấp nhưng lại "đốt" hết tiền vào cờ bạc, rượu chè.

Như trường hợp anh Nguyễn Văn Nam, cũng ở tỉnh Thái Bình, năm 2017 lên Hà Nội trông bệnh nhân, mỗi tháng nhận lương hơn 9 triệu đồng. Nhưng do anh Nam mải chơi lô đề nên sau 10 năm làm "ô sin" bệnh viện, trong khi những “đồng nghiệp” có của ăn của để, thì anh Nam vẫn hoàn tay trắng.

Vẫn còn nhiều chuyện vui, buồn với nghề “ô sin” bệnh viện, nhưng thực tế với nhiều bệnh nhân và gia đình, họ vẫn cần lắm những người tận tình và chuyên nghiệp như chị Cúc, chị Sinh, anh Bắc, anh Hải…

Ngược lại, nghề chăm sóc bệnh nhân tuy vất vả song cũng mang lại thu nhập khá hơn nghề nông, do đó vẫn có không ít người sẵn sàng xa gia đình, rời làng quê lên thành phố làm “ô sin” bệnh viện.

 Theo Đào Nga - Vũ Dung/Hà nội mới