Thư ngỏ xin việc - con dao hai lưỡi

Hồ sơ xin việc bao giờ cũng đi kèm “thư ngỏ”. Thư ngỏ xin việc có thể giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác, nhưng cũng có thể phá hủy ngay từ đầu cơ hội được tham gia phỏng vấn của bạn.

Giám đốc một công ty TNHH ở Đà Nẵng đã không nhịn cười khi xem hàng loạt những bức thư ngỏ xin việc của các ứng viên nộp đơn xin vào làm chân kế toán trong công ty anh.

 

Bức thư đầu tiên của một ứng viên tốt nghiệp Kế toán hệ cao đẳng, không biết có phải để tỏ lòng kính trọng hay không nên tất cả các chữ trong thư chỉ toàn chữ in hoa “Kính Gi Giám Đốc Của Công Ty TNHH... Tôi Tên Là....”.

 

Bức thư khác cũng không kém phần trang trọng khi nửa trang giấy A4 chỉ toàn dành để “kính thưa các loại kính”: “Kính gửi lãnh đạo công ty, Kính gửi Tổng giám đốc công ty, Kính gửi Hội đồng quản trị, Kính gửi Giám đốc công ty, Kính gửi Trưởng phòng nhân sự, Kính gửi Kế toán trưởng của công ty, Kính gửi...”. “Công ty tôi làm gì mà nuôi một “bộ sậu” dài ngoằng như vậy!”, vị giám đốc lắc đầu ngao ngán.

 

Ở bức thư khác, một ứng viên đã tốt nghiệp ĐH ngành Kế toán hệ tại chức thì... “khóc như mưa” khi kể những câu chuyện về quá trình đi tìm việc của mình: nào là nhà khó khăn, cha mẹ già, ở xa gia đình, phải tự lực, phải ở nhà thuê, hằng ngày phải ăn bánh mì trừ cơm trong thời gian tìm việc. Thư tìm việc mà cứ y như một bức thư gửi cho các trung tâm từ thiện.

 

Một bức thư nữa của một sinh viên vừa tốt nghiệp ngành Kế toán ĐH Kinh tế hệ chính quy hẳn hoi nhưng chữ viết nguệch ngoạc, ngoằn nghèo như “rồng rắn lên mây”; rõ ràng người viết chẳng hề có chút cẩn trọng. “Giao công việc kế toán cho “tay” này thì có ngày chết như chơi” - ông giám đốc nhận xét.

 

“Đọc mấy bức thư này, mồ hôi mẹ mồ hôi con của tôi cứ thi nhau “xả”. Mấy đứa nhân viên của tôi cứ đọc đi đọc lại rồi phán: “Ngạc nhiên chưa?”. Đã là thư ngỏ sao không tranh thủ cơ hội để tự giới thiệu về khả năng nghề nghiệp của mình, cứ đi lòng vòng như vậy, riết hết... xăng, hết cả nhiệt huyết cũng không xin được việc!”.

 

Rõ ràng, với những lá thư ngỏ kiểu như trên, dù hồ sơ có “dày” thành tích học tập đến đâu, ứng viên xin việc cũng bị mất điểm ngay từ vòng đầu. Những bức thư ngỏ như vậy rõ ràng không làm tăng thêm “sức hấp dẫn” của ứng viên đối với nhà tuyển dụng mà còn làm mất đi cơ hội lớn nhất được tiếp xúc với nhà tuyển dụng - đó là vòng phỏng vấn.

 

Kinh nghiệm viết thư ngỏ của nhiều ứng viên có thâm niên xin việc đạt ngay vòng sơ tuyển chọn hồ sơ cũng không đến nỗi phức tạp. Trước hết, bạn phải tìm hiểu thật rõ ràng công ty đang cần tuyển dụng kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực nào. Sau đó, tìm kiếm thêm tư liệu về công ty cũng như những thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động công ty này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.  

 

Đồng thời, thư ngỏ của các ứng viên cũng cần phải tỏ rõ quan điểm làm việc, khả năng của mình phù hợp như thế nào đối với công việc mình sắp tham gia dự tuyển. Những kinh nghiệm bản thân về công việc mình tham gia dự tuyển cũng là điều quan trọng cần trình bày trong thư ngỏ.

 

Khác với những giấy tờ khác đều có biểu mẫu, thư ngỏ thể hiện cá tính riêng của bạn mà nhà tuyển dụng rất muốn biết đến trước khi đồng ý cho ứng viên tham gia kỳ thi phỏng vấn. Vì vậy, hãy cẩn trọng, vì thư ngỏ xin việc là con dao hai lưỡi.

 

Theo Thanh Niên