Thời gian đi học sau khi xuất ngũ có được tính hưởng BHXH?

Trường hợp trước khi đi học không phải là công nhân, viên chức Nhà nước cũng không thuộc đối tượng xuất ngũ chuyển ngành đi học hay được đơn vị quân đội cử đi học nên thời gian đi học không được tính là thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.

Thời gian đi học sau khi xuất ngũ có được tính hưởng BHXH? - 1
Trường hợp trước khi đi học không phải là công nhân, viên chức Nhà nước cũng không thuộc đối tượng xuất ngũ chuyển ngành đi học không được tính là thời gian công tác liên tục 

Cơ quan của bà Thu Hằng (Quảng Ngãi) có người lao động nhập ngũ tháng 9/1978, với thời gian công tác như sau:

Tháng 9/1978 đến tháng 5/1981 là bộ đội Trung đoàn 270, Quân khu 5 (trong đó có hơn 2 năm ở chiến trường K).

Tháng 6/1981 đến tháng 12/1983, xuất ngũ về Trường Y tế tiếp tục học y sỹ.

Sau đó, người lao động này công tác tại các cơ quan Nhà nước cho đến nay.

Bà Hằng hỏi, trường hợp người lao động nêu trên có được áp dụng quy định tại Điều 2 Quyết định số 281/CP ngày 1/9/1980 của Hội đồng Chính phủ để tính thời gian đi học sau khi xuất ngũ là thời gian tham gia BHXH không?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Tiết a, Điểm 7, Mục II Thông tư số 13/NV ngày 4/9/1972 của Bộ Nội vụ hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức Nhà nước thì “thời gian học sinh và sinh viên đi học ở các trường chuyên nghiệp sơ cấp, trung học, đại học… trước khi là công nhân, viên chức không được tính là thời gian công tác, thời gian công tác chỉ được tính từ khi bắt đầu vào làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước”.

Theo Công văn số 2425/LĐTBXH-BHXH ngày 25/7/2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc tính thời gian công tác đối với quân nhân chuyển ngành đi học: “Những quân nhân chuyển ngành đi học các trường lớp bổ túc chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ các trường đại học trung sơ cấp và bổ túc văn hóa công nông được hưởng các quyền lợi BHXH phúc lợi tập thể… như cán bộ, công nhân, viên chức trong biên chế đi học đã được quy định trong Thông tư số 287/TTg ngày 21/11/1960 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 70-NV/CB ngày 16/12/1960 của Bộ Nội vụ.

Trường hợp bà Hằng hỏi trước khi đi học không phải là công nhân, viên chức Nhà nước cũng không thuộc đối tượng xuất ngũ chuyển ngành đi học hay được đơn vị quân đội cử đi học nên thời gian đi học không được tính là thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.

Mặt khác, theo Mục III Thông tư số 60/LBQP/TBHXH ngày 1/12/1980 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 281-CP ngày 1/9/1980 của Hội đồng Chính phủ quy định: Quân nhân được đơn vị cho hưởng chế độ xuất ngũ về địa phương thì được chuyển sang hưởng chế độ xuất ngũ thẳng vào các cơ quan, xí nghiệp hoặc trường học của Nhà nước, chính sách chế độ được hưởng theo Thông tư số 248/TTg ngày 8/7/1975 của Chính phủ.

Cùng với đó, Thông tư số 248/TTg ngày 8/7/1975 có ghi: “Những quân nhân nguyên là học sinh, sinh viên của các trường đại học, trung học, sơ học chuyên nghiệp, trường dạy nghề… đi làm nghĩa vụ quân sự khi được xuất ngũ trở về trường tiếp tục học tập thì cũng được hưởng chế độ sinh hoạt phí như những quân nhân xuất ngũ” không quy định thời gian đi học được tính là thời gian công tác liên tục để tính hưởng BHXH.

Vì vậy, trường hợp bà hỏi không thuộc đối tượng áp dụng theo Điều 2 Quyết định số 281/CP ngày 1/9/1980 của Hội đồng Chính phủ để tính thời gian đi học sau khi xuất ngũ là thời gian tham gia BHXH.

Theo Chinhphu.vn