1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thời buổi giá tăng, lương “tóp”

Tiền nhà, tiền nước, tiền điện đều tăng, trong khi tiền lương vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Đời sống công nhân “xuống cấp” trầm trọng.

Đậu hũ hết chiên lại kho

 

Tối 8/5, ghé phòng trọ của công nhân (CN) Công ty Effort (khu công nghiệp (KCN) Tây Bắc Củ Chi - TPHCM), chúng tôi gặp 8 cô gái cùng quê Long An đang quây quần bên bữa cơm đạm bạc chỉ có một đĩa dưa xào, một chén mắm và tô canh cải, tuyệt nhiên không có một chút thịt cá.

 

Các CN cho biết, chi phí ăn uống cho 8 người chỉ khoảng 450.000 đồng/tháng, vị chi mỗi người chưa tới 60.000 đồng/tháng. Đồng lương eo hẹp, đời sống CN vốn khó khăn, giờ lại thêm chuyện giá cả cứ tăng vùn vụt lại càng thêm khốn khó.

 

Chúng tôi gặp CN Lê Thị Bích Cơ (Công ty TNHH Gunze - khu chế xuất (KCX) Tân Thuận) đang phân vân trước cái sạp nhỏ bày lèo tèo vài loại rau củ, mấy miếng đậu hũ khô cong, vài miếng chả cá quắt queo, dăm con cá khô mỏng dính... ngay trong khu nhà trọ ở phường Tân Thuận Đông, quận 7. Tần ngần giây lát, cô quyết định mua thêm hai củ su su.

 

Theo Cơ về nhà trọ, cùng Cơ làm cơm, tôi mới thấy thực đơn của hai chị em khá đạm bạc. Đậu que xào nấm rơm, canh su su kèm hai miếng đậu hũ chiên là thực đơn cả ngày của họ. Cô cho biết, gần như cả tuần nay, khi xăng tăng giá và nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá theo, bữa ăn của hai chị em chủ yếu chỉ có đậu hũ. Hết chiên lại kho.

 

“Năm 2002, khi em mới vô làm, lương mỗi tháng quy ra vàng được hơn một chỉ. Bây giờ thì phải tính toán chi li lắm mới đủ chi tiêu cho 1 tháng nên em đâu dám mơ đến chuyện để dành”, Cơ tâm sự.

 

Thời buổi khó khăn, những niềm vui nho nhỏ của CN cũng đành bị gác lại. Chủ nhật nằm chèo queo ở nhà. Hỏi sao không đi chơi, S. (Công ty Strongman) và T. (Công ty UMI) cho biết họ đang thực hiện chế độ tiết kiệm triệt để vì vật giá leo thang đến chóng mặt. Chủ nhà vừa đánh tiếng sắp tăng tiền nhà; còn tiền nước, tiền điện đã tăng cả tháng nay trong khi tiền lương vẫn đứng ỳ như cũ khiến hết thảy CN đều lắc đầu ngao ngán.

 

“Đi chơi thế nào cũng đói bụng, cũng khát nước. Ghé vào quán lại mất thêm một số tiền không nhỏ cho chuyện ăn uống. Vậy nên ở nhà là giải pháp tốt nhất”. Bất ngờ, T. buột miệng: “Chẳng lẽ suốt đời tụi em cứ ở nhà thuê, cứ thiếu trước hụt sau hoài hả chị?”. Thắc mắc của nữ CN nọ, chúng tôi cũng không biết phải trả lời ra sao!

 

“Một đồng thành thị bằng 10 đồng ở quê”

 

Thảo, CN của một công ty ở KCX Linh Trung II, tâm sự: “Lương của tụi em chưa đến 1 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, còn bao nhiêu lại là tiền ăn. Bấm bụng lắm tụi em mới dám mua miếng thịt hay con cá”. Các CN cùng phòng trọ tính toán: Mỗi tháng phải dành dụm 300.000 đồng đến 400.000 đồng gửi về quê lo cho mấy đứa em ăn học. Nhưng những khi ít hàng thì tiền về quê cũng teo tóp dần.

 

Thảo cho biết thêm: “Trước kia mỗi phòng là 350.000 đồng, tụi em ở 6 người. Nhưng từ khi xăng lên, bà chủ cũng tăng tiền nhà lên 450.000 đồng/phòng nên bọn em phải ở 8 đứa. Tối ngủ đứa này cứ úp mặt vào lưng đứa kia”. Mấy tháng rồi, tiền gi về nhà ít đi, mấy đứa em ở nhà sợ chị cực đòi bỏ học. Thảo phải xin nghỉ phép về quê la cho một chặp. Ngày tiễn chị lên thành phố, mấy đứa em líu ríu xin lỗi. Thảo cố làm mặt nghiêm, lên xe mới òa khóc.

 

Bên cạnh phòng Thảo là CN Nguyễn Thị Tuyết (quê Bắc Giang) làm việc ở Công ty Effort. Tuyết cho biết cái gì cũng lên giá, chỉ có lương không lên nên cô phải cố gắng chi tiêu thật dè sẻn. Để có thêm tiền gửi về quê, buổi tối, cô gái 18 tuổi này lại đứng bán quần áo cho người chị họ ngoài thị trấn Củ Chi.

 

Cật lực làm việc, từ một cô bé 45kg, nay Tuyết chỉ nặng chưa đến 40kg. Bạn bè sợ Tuyết ngã bệnh nên can ngăn, cô chỉ cười: “Một đồng thành thị bằng 10 đồng dưới quê”.

 

Chấp nhận giảm lợi nhuận để nâng lương cho CN

 

Trước nguy cơ đời sống quá khó khăn, CN có thể bỏ việc, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách tháo gỡ. Công ty Giày Thiên Lộc (quận 12 - TPHCM) đã tăng thu nhập bình quân cho CN khoảng 40%, đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu đồng/người. Với 3.000 lao động, con số tăng này không nhỏ.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Thiên Lộc, cho biết: “Đây là quyết định sống còn với chúng tôi. Tăng thu nhập như thế CN mới đủ trang trải cuộc sống đắt đỏ, mới có thể làm việc cho doanh nghiệp”. Để làm được việc này, đích thân bà Lan phải vận động hết cách để yêu cầu đối tác tăng giá gia công; tập huấn nâng cao tay nghề cho toàn bộ CN ở các dây chuyền sản xuất để tăng năng suất và phải chấp nhận giảm lợi nhuận tối đa.

 

Công ty Giày Hiệp Trí (quận Thủ Đức - TPHCM) cũng chấp nhận khó khăn, quyết định tăng thu nhập cho CN từ 15% - 20%, tăng tiền bữa cơm giữa ca... Theo giám đốc công ty, đây là biện pháp ưu tiên trong thời điểm hiện tại. Phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để duy trì đội ngũ sản xuất tốt, nếu làm ngược lại hậu quả sẽ khó lường.

 

Đối với nhiều CN, họ cũng không thụ động chấp nhận hoàn cảnh. Tại KCN Tân Bình, nhiều CN sau giờ tan ca yêu cầu doanh nghiệp cho ở lại thực tập tay nghề ở những khâu khác để cần thiết có thể tăng ca.

 

Những khó khăn còn ở phía trước, cơn bão tăng giá chưa biết đến bao giờ mới đi qua, nhưng nỗ lực của người lao động và doanh nghiệp là đáng trân trọng.

 

Theo Hồ - Phương – Đào

Người Lao Động