Thợ khắc chữ lâu năm nhất TPHCM, cả đời bám hè phố
(Dân trí) - 44 năm gắn bó với nghề khắc chữ trên quà lưu niệm, ông Lê Tiến Dũng bộc bạch công việc này không chỉ nuôi sống cả gia đình mà còn cho ông cơ hội gặp nhiều người thú vị.
8h mỗi ngày, một người đàn ông mái tóc chớm bạc đều đặn lái xe máy đến góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (quận 1, TPHCM), chậm rãi bày tủ đồ nghề trên vỉa hè. Sau khi đặt tấm biển "khắc chữ trên quà lưu niệm" lên nóc tủ, ông ngồi xuống, cặm cụi cầm chiếc mũi hàn trên tay, bắt đầu đi những nét chữ đầu tiên trên chiếc bút bóng loáng.
Hơn 44 năm qua, ông Lê Tiến Dũng (66 tuổi) vẫn luôn khắc chữ tại góc phố ấy. Dù đường sá có thay đổi, dòng người ngày càng tấp nập, ông vẫn bình thản ngồi ở đó, chăm chú làm công việc yêu thích.
Bản thân cũng từng khắc chữ trên chiếc bút vàng, đính kim cương trị giá hàng chục nghìn USD cho các buổi ký kết, khánh thành của các chủ doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, lắm lúc ông cũng chỉ đơn thuần là một người thợ khắc chữ cho những khách hàng muốn tặng món quà ý nghĩa cho người thân, bạn bè của mình. Mỗi chiếc bút hoàn thành, ông Dũng lấy tiền công 20.000-100.000 đồng.
Dù khách hàng là ai, ông Dũng vẫn luôn làm việc bằng cái tâm. Bởi ông yêu cái nghề này và ý nghĩa của những sản phẩm thủ công mà máy móc không thể thay thế được.
Ông Dũng bộc bạch công việc này đòi hỏi phải luôn tập trung và tỉ mỉ. Chỉ cần sai một nét nhỏ, người thợ khắc chữ sẽ phải bồi thường giá trị của cả món đồ ấy. Đối với ông Dũng, ông chưa từng cho phép bản thân mình sơ suất trong lúc làm việc.
"Làm 44 năm rồi nên tôi cũng quen tay. Tôi không cần phải phác thảo trước hình mẫu trên giấy mà mọi thứ nằm sẵn trong đầu mình, chưa đầy 5 phút là làm xong", ông Dũng nói.
Để khắc được trên nhiều chất liệu khác nhau như nhựa, sắt, inox, gỗ… thậm chí là vàng, ông Dũng tự mày mò, chế tạo ra những chiếc bút bằng hợp kim.
Không chỉ nhận khắc thuê tại chỗ cho khách vãng lai, ông Dũng còn được một số công ty du lịch, doanh nghiệp liên hệ để "đặt hàng".
Người thợ khắc chữ chia sẻ ông quê ở Hải Dương, từng là sinh viên của Đại học Kiến Trúc (TP Hà Nội). Khi còn là sinh viên năm nhất, ông nhập ngũ vào Nam chiến đấu và phải gác lại đam mê hội họa của mình.
Năm 1980, vì yêu thích con người và thời tiết ở TPHCM nên ông quyết định ở lại đây lập nghiệp sau khi xuất ngũ.
"Thời điểm ấy, nghề khắc chữ rất thịnh hành nên tôi mới sắm đồ nghề rồi ngồi làm vì nghĩ mình có chút "vốn liếng" về hội họa. Đồ nghề lúc đó cũng rất đơn sơ, chỉ là một thanh kim loại nhọn, được tôi tì sức lên đồ vật rồi viết. Lâu dần, tôi mới chế tạo ra mũi khắc chạy bằng ắc-quy rồi dùng đến bây giờ", ông Dũng chia sẻ.
Trong những năm đầu ông Dũng theo nghề, đường Lê Lợi tấp nập người "buôn gánh bán bưng". Cạnh ông còn có 2 người đàn ông khác theo nghề thợ khắc chữ. Nhưng dần dà, con đường chỉ còn mình ông "bám" nghề trên vỉa hè, vì lượng khách chỉ còn 10% so với trước.
"Tôi ngỏ ý truyền nghề này cho con trai và may mắn là con đồng ý. Cái nghề này đã theo tôi suốt nhiều năm. Tôi cũng chứng kiến nhiều thăng trầm trong nghề nên khao khát to lớn nhất chính là không để nghề này bị mai một, dần biến mất", ông Dũng trải lòng.