1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thợ cắt thùng phuy may mắn có phao cứu sinh khi bị "hóa đuốc sống"

Tiến Hiệp

(Dân trí) - Trong lúc cắt thùng hóa chất, bất ngờ ngọn lửa bùng lên từ trong thùng khiến người thợ bị bốc lửa toàn thân. Nạn nhân nhanh chân nhảy xuống ao nước nên thoát chết.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người đàn ông may mắn thoát chết khi thùng phuy bất ngờ phát nổ kinh hoàng.

Cụ thể, nhóm 3 người đàn ông đang loay hoay với chiếc máy cắt thùng hóa chất đã qua sử dụng. Khoảng vài giây sau đó, chiếc thùng bất ngờ phình to, phát nổ, kèm theo đó là một ngọn lửa bùng lên từ phía trong thùng.

Vụ nổ xảy ra khiến một người đàn ông đứng gần đó bị bám lửa, toàn thân bốc cháy như ngọn đuốc. Quá sợ hãi, những người chứng kiến đã la hét thất thanh. Ngay sau đó, người đàn ông đã nhanh chân nhảy xuống ao nước gần đó.

Thợ cắt thùng phuy may mắn giữ được tính mạng khi thùng phát nổ.

Theo người đăng tải sự việc cho biết, do nhanh trí lao xuống ao nước trước cửa nhà nên may mắn người đàn ông này chỉ bị thương mà không nguy hiểm đến tính mạng.

Trước tình huống trên, các ý kiến đều cho rằng, đã có rất nhiều thông tin đăng tải về các vụ tai nạn khi cắt thùng hóa chất nhưng nạn nhân trong clip có thể mới vào nghề, hoặc "thợ nửa mùa", không nắm rõ các nguyên tắc an toàn.

Theo thông tin của một thợ cơ khí từng chia sẻ với PV Dân trí, việc sử dụng máy hàn, máy cưa cắt thùng phuy, bồn từng chứa xăng dầu là hành vi nguy hiểm chết người, kể cả thùng phuy đã không còn xăng dầu bên trong.

Thợ cắt thùng phuy may mắn có phao cứu sinh khi bị hóa đuốc sống - 1

Ngọn lửa bốc cháy trên người nạn nhân khi thùng phuy phát nổ (Ảnh cắp từ clip).

Dù không còn chứa xăng, dầu, sơn... bên trong thì thùng vẫn còn một lượng hơi xăng dầu hoặc dung môi pha sơn nhất định. Chỉ cần tiếp xúc với nguồn nhiệt từ tia lửa hàn cắt… thậm chí chỉ cần bật lửa soi rọi, hỗn hợp khí này dễ dàng bắt lửa và gây nổ.

Trước khi hàn cắt, sửa chữa thùng phuy, bồn như trường hợp trên, đầu tiên phải mở nắp thùng và để một thời gian dài cho hơi bên trong thoát ra. Kế đó, người thao tác phải dùng các loại hóa chất thích hợp để tẩy rửa hỗn hợp khí bên trong.

Tiếp đó, cần đổ đầy nước vào thùng, bồn và đổ ra để đảm bảo làm sạch hết hỗn hợp khí, cuối cùng mới bắt đầu hàn, cắt. Những việc này rất đơn giản và sẽ hạn chế tối đa hậu quả đau lòng.

Ngoài ra, đối với các thùng trên, có thể "mổ" thùng bằng hình thức thủ công như dao phay, đinh sắt có mũi nhọn để đục từ từ. Phương pháp này thường được sử dụng đối với các loại thùng hóa chất không mở được nắp.