Thị trường lao động Trung Đông vẫn nhộn nhịp

(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong thời gian ngắn tới, Saudi Arabia có thể tiếp nhận đến 100.000 lao động Việt Nam.

Mới đây, tập đoàn xây dựng BADR Contracting (Qatar) cũng đã chính thức tuyển dụng 258 lao động VN do Công ty Airserco (TCty Hàng không VN) cung ứng.

 

Như vậy, thị trường nhập khẩu lao động Trung Đông vẫn khá nhộn nhịp sau “sự kiện Lebanon”, và cơ hội của lao động VN vẫn rất lớn.  

 

Một thị trường mở và an toàn

  

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) - tất cả số lao động VN đã và đang ở Lebanon là đi theo dạng cá nhân chứ không phải thông qua các công ty có giấy phép xuất khẩu lao động. 

  

Hiện nay, lao động VN đi theo đường chính thức đến Trung Đông khá nhộn nhịp, nhưng chủ yếu là đến các quốc gia “rất an toàn” như Saudi Arabia, UEA, Qatar… Chiến sự ở Lebanon không hề ảnh hưởng đến việc VN đưa lao động vào các nước còn lại ở Trung Đông.

 

Cũng theo ông Hoà, Trung Đông là thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài vào loại lớn nhất trên thế giới và nhận đủ các ngành nghề từ dịch vụ, giúp việc gia đình, xây dựng đến lao động kỹ thuật cao. Chỉ riêng Saudi Arabia đã có trên 6 triệu lao động nước ngoài. UEA có 7 bang thì riêng bang Dubai đã có đến 100.000 lao động Philippines...  

 

Đánh giá của Cục QLLĐNN cho thấy, riêng thị trường Saudi Arabia có thể tiếp nhận 100.000 lao động VN, với mức lương tối thiểu cho lao động phổ thông là 150 USD/tháng, lao động kỹ thuật cao từ 400 - 1.000 USD/tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm và tay nghề.   

 

Nhiều doanh nghiệp đã có hợp đồng

 

Từ năm 2002, việc đưa lao động sang UEA đã được Cty Airserco tiến hành thăm dò khai thác. Đến nay công ty đã đưa được 1.400 lao động sang thị trường này với công việc và thu nhập ổn định (300 - 400 USD/tháng).  

 

Công ty Vinamex cũng đã có một số hợp đồng tuyển lao động đến Dubai làm nghề xây dựng và mộc nội thất, lương tháng 1.040 AED (tương đương 300 USD), thời hạn hợp đồng 2 năm (có thể gia hạn thêm)… Ông Bùi Hải Hòa - giám đốc Vinamex - cho biết, hợp đồng khá hấp dẫn song số tiền người lao động phải đóng trước khi đi chỉ khoảng 20 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Xuân Vui - giám đốc Airserco - cho hay, người lao động đăng ký đi Trung Đông hiện rất lớn. Công ty luôn luôn nhắc nhở người lao động ý thức rằng điều kiện làm việc ở Trung Đông là tốt nhưng khá khắt khe, đòi hỏi lao động phải cố gắng mới có thể thích nghi (khí hậu Trung Đông nóng, dân chủ yếu theo đạo Hồi, mặt khác, lương cơ bản ở đây nhìn chung không cao bằng Hàn Quốc hay Nhật Bản). Theo đó, định hướng cho người lao động trước khi đi càng rõ ràng bao nhiêu thì rủi ro sẽ được giảm thiểu bấy nhiêu…

 

Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu lao động VN - ông Nguyễn Xuân An - cho biết, hiện nay các DN ký hợp đồng đưa lao động VN đi làm việc ở Trung Đông chỉ dạy tiếng Anh cho người lao động là không nên. Theo ông An, DN cần dạy cho người lao động biết tiếng Ả Rập cơ bản để sử dụng vì số người địa phương biết tiếng Anh không nhiều, vả lại không biết tiếng sẽ dễ gặp rắc rối với phong tục tập quán của nước đến làm việc. 

 

Bên cạnh đó, DN phải giáo dục người lao động nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc cơ bản của luật Hồi giáo Sharia, đặc biệt là đối với lao động nữ. Phụ nữ nước ngoài khi ra ngoài đường đều phải trùm khăn kín tóc, mặc áo choàng dài rộng như người bản xứ. Đối với những người Hồi giáo bảo thủ tại đây, phụ nữ nào để tóc rủ xuống trán là người thiếu đứng đắn… 

 

An Hạ