Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió

Hoài Sơn

(Dân trí) - Trên những bãi biển ngang ở Đà Nẵng, cứ thủy triều xuống là có vô số còng gió chui ra khỏi hang. Đó chính là lúc ngư dân tranh thủ đi săn loài giáp xác chân dài này.

Theo dấu chân còng

Khoảng 16h, anh Nguyễn Văn Thạch (34 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mang xẻng, túi đựng đi dọc bờ biển săn còng gió.

Sau một hồi dò tìm, khoanh vùng được bãi có nhiều đụn cát nhô lên, anh Thạch chỉ một con còng đang chạy vào hang và nói: "Nhìn loài này vậy chứ thoắt ẩn, thoắt hiện không biết đâu mà lần, không dễ bắt được chúng".

Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió - 1

Trong khoảng thời gian chờ lưới được kéo, các ngư dân tranh thủ đi đào còng gió (Ảnh: Hoài Sơn).

Vừa dứt câu, anh Thạch dò xét xung quanh rồi dùng xẻng xúc một bụm cát đổ lên miệng hang thứ hai của còng.

"Loài này tinh quái lắm, luôn đào ngách ăn thông lên miệng hang, phòng bị sẵn để dễ chuồn. Dân đào phải biết khống chế hang này, nếu không, còng tẩu thoát, "cười mỉa" người đào lui cui làm cái việc dã tràng xe cát", anh Thạch hóm hỉnh.

Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió - 2

Dụng cụ đào còng chỉ có xẻng và túi lưới đựng (Ảnh: Hoài Sơn).

Còng gió là một loài giáp xác nhỏ, có màu vàng pha trắng cùng màu cát biển. Đặc điểm này khiến chúng dễ ngụy trang, khó bị phát hiện.

Loài còng có đặc điểm chạy rất nhanh nhờ những cái chân dài lêu nghêu. Tên gọi có lẽ để ví còng chạy nhanh như gió.

Ở những vùng biển ngang, lúc thủy triều xuống, trên bãi cát thường có vô số còng gió chui ra khỏi hang phơi nắng.

Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió - 3

Loài còng khá tinh quái, dân đào hang bắt còng phải biết khống chế hang dự phòng của loài giáp xác chân dài này (Ảnh: Hoài Sơn).

Tuy nhiên, để bắt được chúng không hề dễ. Bởi còng rất nhát người, khi phát hiện bóng người thấp thoáng phía xa, còng đã chạy nhanh như gió, phóng về hang trú ẩn. Đào được còng là cả một nghệ thuật.

Hang còng không quá sâu nhưng có nhiều ngóc ngách và luôn có một miệng hang dự bị, phòng khi bất trắc. Nên có người đào bới suốt tiếng đồng hồ không bắt được còng trong khi mặt bãi cát rõ ràng chi chít lỗ còng.

"Hang còng thì lắt léo như địa đạo. Gặp hang đừng tưởng đào đâu trúng đó. Cho tay vào hang có khi thấy sâu tới nách vẫn chưa đụng còng. Đào thêm thì phát hiện ngách, còng ép mình trốn trong đó", anh Thạch nói.

Anh Thạch tìm thấy còng và lôi ra khỏi hang, có con quẫy đạp, có con ranh mãnh giả chết. Thấy còng nằm quay đơ, anh Thạch cũng lơ đi. Chính lúc này còng lén dậy, vùng chạy ra biển trước sự ngỡ ngàng của thợ săn.

Ký ức "chạy còng"

Theo anh Thạch, nhiều người không có sức thì đào một cái hố nhỏ trên bãi, đặt một cái xô nhựa và thả vào đó mấy con cá chết. Còng nghe mùi tanh tìm tới rồi lọt xô. Sáng mai thăm bẫy, chí ít cũng được vài chục con béo tốt.

Không như những loại hải sản khác, còng không "đắt khách" nhưng một thời, lúc biển "bạc", cứ đêm xuống là ngư dân lại rủ nhau ra biển "chạy còng".

Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió - 4

Còng gió là một loài giáp xác nhỏ, có màu vàng pha trắng, giống như màu cát biển (Ảnh: Hoài Sơn).

Nhìn về phía xa, anh Thạch nhớ lại, lúc trước, trên bãi cát, trẻ em trong làng thường chia địa điểm để theo dấu chân còng.

Bây giờ đời sống khá lên, việc "chạy" còng gió đã dần ít đi. Việc đi bắt còng phần nhiều là để cho vui khi trời mát mẻ và bạn bè từ phương xa ghé chơi muốn thử cảm giác săn hương vị biển cả này.

Theo ngư dân đi săn con chân dài lêu nghêu, chạy nhanh như gió - 5

Giờ ít người còn ăn còng nhưng đây từng là đặc sản của vùng biển ngang (Ảnh: Hoài Sơn).

Còng biển dễ chế biến, chỉ cần rửa sạch bằng nước lạnh, lột vỏ, bỏ mắt, cắt đốt chân cuối rồi có thể đem nấu canh chua, rang me, nướng, nấu cháo. Thịt còng thơm và có vị mằn mặn của biển.