Thầy cô 'ra lò' thời... ế ẩm
Thừa 70 ngàn sinh viên sư phạm là con số gây sốc thời gian gần đây. Tại sao “thừa” mà vẫn được miễn học phí? Và họ sẽ làm thầy ra sao khi đầu vào thấp tới kinh ngạc với 6,5 điểm cho cả 3 môn thi ?
Ồ ạt, cấp tốc rồi... thừa
Mới đây, con số mà hội thảo khoa học quốc gia đào tạo giáo viên (GV) tại các trường đại học đa ngành công bố cho thấy, tính đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 GV đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT).
Mặc dù, từ năm 2013 đến nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu mỗi năm phải giảm 10% chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm. Tuy nhiên, sau hai năm, mỗi năm, cả nước vẫn có khoảng 4.000 sinh viên ra trường không có việc làm.
Chỉ tính riêng năm 2016 này, chỉ tiêu đào tạo GV mầm non, phổ thông hệ, chính quy của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), trung cấp sư phạm cả nước đã lên tới 65.322. Trong khi đó, theo Quyết định số 732/QĐ- TTg ngày 29/4/2016 yêu cầu bình quân mỗi năm đào tạo mới để thay thế, bổ sung khoảng hơn 55.000 GV.
Câu hỏi đặt ra là, dù có thừa như vậy nhưng các trường vẫn được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với số lượng lớn và hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp?
Theo các chuyên gia tuyển sinh, có tình trạng trên là bởi gần 20 năm trước, các trường học trên cả nước thiếu trầm trọng số lượng và chất lượng GV. Có những mùa tuyển sinh GV trình độ Tiểu học sư phạm, TP HCM đã phải lấy điểm trúng tuyển 6,5/20 cho thí sinh khu vực nội thành và 3,5/20 cho thí sinh ngoại thành, chỉ có chưa tới 20% số bài thi đạt tổng điểm 10/20.
Đứng trước cơn khủng hoảng đó, thực hiện “Chương trình quốc gia xây dựng đội ngũ giáo viên và các trường sư phạm 1995 - 2000”, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định miễn học phí cho sinh viên theo học ngành sư phạm.
Năm 1996-1997 được coi là thời kỳ “hoàng kim” của ngành sư phạm, khi Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế miễn học phí cho học sinh đăng ký vào ngành này. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi, học sinh khó khăn đăng ký vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ. Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, thí sinh để vào được Khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi.
Thế nhưng, những năm gần đây, điểm chuẩn vào ngành sư phạm không được cao như vậy và đang có xu hướng giảm dần. Cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế đã khiến cho nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không chọn nghề dạy học.
Cùng với đó, nhiều địa phương còn thờ ơ đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng nhu cầu của xã hội, dự báo về cung-cầu nguồn nhân lực vênh nhau cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm thất nghiệp hoặc chuyển sang làm các công việc khác.
Chính vì thế, từ nhiều năm trước, cùng với sự ế ẩm của các ngành xã hội, thí sinh giỏi đã gần như quay lưng lại với ngành sư phạm, bởi theo các em “ chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”...
Lãng phí hay “nồi cơm”?
Và điều đáng nói, nguồn kinh phí dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không nhỏ. Hiện tại, ngoài một số trường đa ngành có đào tạo sư phạm, cả nước có 13 trường ĐH sư phạm, 1 trường ĐH giáo dục và 33 trường CĐ sư phạm. Dù những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng dư thừa GV, đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hàng năm.
Theo báo cáo từ các hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT, năm 2011, trong hơn 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho giáo dục thì riêng dự toán chi bù học phí cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT theo khung học phí quy định tại Nghị định 49 là gần 250 tỷ đồng.
Đến năm 2012, tổng mức chi bù học phí thực tế từ nguồn ngân sách cho các trường sư phạm trực thuộc Bộ GD-ĐT đã nâng lên con số hơn 354 tỷ đồng. Đến năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về mức chi ngân sách bù học phí sinh viên sư phạm các trường ĐH, CĐ và cấp bù miễn giảm học phí tăng lên hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng.
Thực tế, hiện nay có rất nhiều loại hình đào tạo GV, thậm chí cả dân lập với tư thục cũng đào tạo GV, các địa phương cũng thi nhau mở. Chỗ nào cũng mở được lớp dạy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thậm chí có chứng chỉ chỉ học trong 1 tháng.
“Chúng ta cần rà soát kiểm tra lại tại sao lại có nhiều trường đào tạo GV đến như vậy? Dường như việc mở ngành này đã trở thành “miếng mồi” béo bở, đem lại nguồn thu đáng kể của các trường. Tình trạng đào tạo GV tràn lan như vậy cũng chính là nguyên nhân để chất lượng giáo dục đi xuống”, một chuyên gia giáo dục chia sẻ.
Thầy Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho rằng, việc cho phép mở ngành đào tạo tràn lan không dựa trên nhu cầu thực tế khiến mỗi năm có hàng ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Đối với 7 trường ĐH sư phạm trọng điểm thì tổng chỉ tiêu đào tạo chỉ chưa đến 10.000, còn lại phần lớn chỉ tiêu là các trường sư phạm của địa phương, thậm chí các trường dân lập, tư thực. Đã đến lúc chúng ta cần phải có quy hoạch nhân lực, phê duyệt chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế và đặc biệt quản lý việc đào tạo để đảm bảo chất lượng.
Thầy Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội băn khoăn cho biết, qua thực tế tuyển chọn thì chất lượng sinh viên sư phạm ra trường rất thấp nếu theo chuẩn. Tỷ lệ sinh viên sử dụng được là ít, nếu có được tuyển vào cũng phải mất vài ba năm mới có thể dạy được.
Nếu các trường chọn lọc kỹ ngay từ đầu thì sẽ tránh gây lãng phí cho người học, cho xã hội. Và không có thầy giỏi thì không có trò giỏi, đó là chân lý không thể chối bỏ. Bởi người thầy giỏi thu phục học trò bằng chính trái tim và trí tuệ của mình... Thế nên những năm qua, vẫn còn đó, những người thầy đi chệch “đường ray” làm thầy của mình bởi bạo hành, đạo đức và sự khiếm nhã làm rầu lòng dư luận...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD - ĐT:
Sẽ quy hoạch lại các trường sư phạm
Hiện nay Bộ GD-ĐT tạo chỉ chủ quản của 10 trường đào tạo có đào tạo sư phạm (bằng khoảng 10% cơ sở đào tạo sư phạm). Còn lại là các trường CĐ sư phạm do địa phương và các trường do các bộ khác quản lý nên việc khống chế chỉ tiêu sư phạm bằng biện pháp hành chính là rất khó khăn. Đối với các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT quản lý thì cùng với việc giảm chỉ tiêu sẽ tạm dừng xem xét hồ sơ mở ngành đào tạo sư phạm ở các trình độ ĐH, CĐ và dừng việc thực hiện đào tạo GV hệ đào tạo từ xa; tạm dừng việc cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm GV trung học cho các cử nhân ở các ngành đào tạo khác có nhu cầu trở thành GV …
Thời gian tới, để khắc phục tình trạng thừa nhân lực ngành sư phạm, không còn cách nào khác là quy hoạch lại các trường sư phạm, chỉ giữ lại một số cơ sở đào tạo sư phạm đảm bảo chất lượng và phù hợp nhu cầu đào tạo. Hiện nay vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ; thừa GV ở những vùng thành thị.
Nhưng vẫn còn thiếu GV ở một số vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, thiếu cục bộ GV ở những môn học đặc thù như tiếng Anh (dạy từ lớp 3, 4, 5), Tin học, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ... Bên cạnh đó, về cơ cấu đội ngũ, thừa GV phổ thông nhưng lại thiếu GV ở mầm non và giảng viên những ngành đặc thù.
Theo Báo Pháp luật VN