Thất nghiệp gia tăng: Công nhân lao đao

Hàng vạn doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản và cắt giảm sản xuất khiến không ít công nhân rơi vào thất nghiệp. Cuộc sống vốn đã bấp bênh nay còn khốn khó hơn.

Chạy ăn từng bữa...
 
Chạy ăn từng bữa...

 

Chưa dứt niềm vui khi con trai đầu lòng chào đời được hai tháng, nay anh Hoàng Thế Dân, 34 tuổi ở phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM lại thấp thỏm nỗi lo do một tuần nay công ty cho nghỉ việc.

 

Gắn bó với tổ cơ khí Chi nhánh công ty TNHH Comin Việt Nam, ở quận Gò Vấp được 5 năm nay nhưng nay thì anh và 20 công nhân của tổ này phải nghỉ việc bởi công ty cắt giảm lao động.

 

Thất nghiệp cộng với vợ vừa sinh con, một mình gánh vác cuộc sống gia đình khiến anh Dân khốn đốn.

 

“Lâu nay đi làm lương được 5 triệu/tháng cộng với thu nhập của vợ là công nhân may 2 triệu/tháng nữa nên hai vợ chồng đủ sống. Nay thất nghiệp, vợ nghỉ sinh lại lo thêm con nhỏ, tôi không biết xoay xở ra sao”- anh Dân, kể.

 

Cầm trên tay tập hồ sơ chờ kêu vào làm thủ tục thất nghiệp tại Trung tâm giới thiệu việc làm quận Bình Thạnh, anh Dân chua chát: “Một tuần nay chạy tới chạy lui kiếm việc nhưng nơi nào đến cũng lắc đầu. Họ bảo không tuyển dụng nữa”.

 

Bạn của Dân cũng đang chờ làm thủ tục thất nghiệp tại đây, nói với tôi: “Anh có mối nào cần xe ôm không giới thiệu em”.

 

Nguyễn Huy Hào, công nhân cùng công ty Comin với Dân cho biết: “tháng 9 này em định cưới vợ nhưng nay xem ra hơi khó vì công ty cho nghỉ việc rồi”. Làm ở công ty Comin lương tháng 4 triệu, nhưng nay theo Hào nơi nào 3 triệu/tháng mình cũng làm, miễn sao có việc.

 

“Có việc để có tiền cưới vợ, với lại còn được đóng bảo hiểm các loại nữa, chứ dựa vào vài ba đồng thất nghiệp thì đâu được lâu”- Hào chia sẻ.

 

Những khó khăn về nguồn hàng một lần nữa đặt hàng trăm lao động ở Cty Copal Việt Nam đóng trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 đứng trước đắn đo cho công nhân nghỉ việc.

 

Chị Nguyễn Mộng Quyên, công nhân lâu năm ở đây cho biết, những người chuẩn bị hết hạn hợp đồng như chị đã không được công ty ký lại với lý do đang cắt giảm nhân lực.

 

Có con nhỏ bị bệnh chậm phát triển, chị Nguyễn Thị Hương, quê ở Quảng Bình phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Một mình chồng chị làm công nhân Cty Chế biến hải sản Thanh Long, TP. Vũng Tàu, thu nhập được tính theo từng ngày với mức 100 ngàn đồng/ngày.

 

Tuy nhiên, nguồn thu nhập này cũng rất bấp bênh vì công ty thường xuyên khan hiếm nguồn nguyên liệu chế biến.

 

“Nhiều khi công ty không có hàng để làm thì phải nghỉ ở nhà hằng tháng trời. Những tháng đó, gia đình em không biết xoay xở thế nào để chi phí trang trải cuộc sống và chăm con bệnh” – Hương tâm sự.

 

Vào Vũng Tàu mưu sinh từ mấy năm nay, hai vợ chồng Hương thuê trọ một căn phòng chừng 10m2 tại hẻm 97, đường Phước Thắng, phường 12, TP. Vũng Tàu với giá 600 ngàn đồng/tháng.

 

Tiền điện 3000 đồng/KWh; nước 15.000 đồng/m3, dù hết sức tằn tiện nhưng tháng nào Hương cũng phải đi mượn tiền. Trong căn phòng nhỏ, hai vợ chồng không dám dùng ti vi, chiếc quạt điện nhỏ bật suốt ngày được ưu tiên cho em bé.

 

“Thế mà mỗi tháng, em cũng phải trả hơn 300 ngàn tiền điện nước. Món ăn chính của vợ chồng thường xuyên là rau muống luộc, đậu hũ rán. Thỉnh thoảng mới mua thịt hoặc cá để có sữa cho em bé bú. Mà cũng chỉ dám mua buổi chiều cho rẻ, nhưng cũng phải ăn “dè” thôi” - Hương bộc bạch.

 

Hồi hương

 

Chạy ăn từng bữa...
Con mắc bệnh, cả hai vợ chồng lại thất nghiệp khiến cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hương vô cùng bấp bênh. 

 

Chi phí sinh hoạt cao trong khi vẫn chưa kiếm được việc làm mới khiến không ít công nhân chọn đường về quê.

 

“Một tháng nay không có việc làm, sống dựa vào bạn bè và người thân để đi kiếm việc. Nhưng nay em quyết định về quê, không muốn bon chen ở Sài Gòn nữa”- chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, công nhân công ty Copal ở quận 7 chia sẻ.

 

Sau khi Cty TNHH may mặc Hoàng Anh cho nghỉ việc vì cắt giảm lao động, Phan Thị Lưu đã không mặn mà kiếm việc ở thành phố. Cô quyết định “hồi hương” tại Đà Nẵng quê cô cũng có nhiều khu công nghiệp mọc lên, dù lương không cao như ở TPHCM.

 

Thất nghiệp gia tăng, khốn khó đè nặng lên vai hàng nghìn công nhân khiến không ít người muốn quay lại nơi mình ra đi.

 

Hai vợ chồng chị Trần Thị Thu Thanh, công nhân một nhà máy chế biến nước mắm ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải sống trong khốn khó từ 2 tháng nay vì thất nghiệp do nhà máy bị đóng cửa.

 

Để mưu sinh qua ngày, anh Vinh, chồng chị Thanh phải đi làm phụ hồ, thu nhập lúc được lúc không vì nghề thợ hồ hai năm nay cũng bấp bênh, chìm nổi.

 

“Tiền công được 120 ngàn/ngày nhưng mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình tụi em tằn tiện hết sức mà cũng không đủ trang trải”- Vinh chia sẻ.

 

Vợ không kiếm được việc làm ở nhà nuôi con, một mình anh sớm tối cày cuốc nhưng cuộc sống vẫn chật vật khiến anh Vinh bàn tính chuyện về quê.

 

Thất nghiệp khi bị công ty may mặc Trung Thu ở huyện Hóc Môn, TPHCM đóng cửa, Hồ Thị Giang ở Quảng Ngãi cũng tìm cách về quê sinh sống.

 

Chị cho biết, sau khi bất ngờ đóng cửa, chủ bỏ trốn, gần 100 công nhân ở đây sống vất vưởng vì bị nợ lương, bảo hiểm.

 

“Em đã bàn tính với chồng, lương mỗi tháng được 3,5 triệu đồng, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ nên hai vợ chồng quyết định đưa 2 con về quê sống”- chị Giang cho biết.

 

Đăng ký thất nghiệp tăng

 

Trong tháng 4 theo Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, đã có 17.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, đến tháng 5 và nửa đầu tháng 6 con số này nhảy lên gần 30.000.

 

Theo Bảo hiểm xã hội TPHCM chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, nơi đây đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho hơn 31.000 người với tổng số tiền hơn 140 tỉ đồng.

 

Ông Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết, công nhân tập trung ở địa bàn chủ yếu làm về thủy sản.

 

Tuy nhiên theo người này các doanh nghiệp chế biến hải sản trên địa bàn chỉ hoạt động cầm chừng do khó khăn về thị trường, về nguyên liệu, về giá cả..., đã làm cho số lao động thất nghiệp tăng cao.

 

Tại các khu chế xuất và công nghiệp ở TPHCM đã có hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ngưng hoạt động khiến cả trăm ngàn công nhân rơi vào thất nghiệp.

 

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay theo Cục Thuế TPHCM đã có ít nhất 6.000 doanh nghiệp gửi thông báo đến Cục này cho biết ngưng

hoạt động.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết, tính riêng tuần thứ 4, tháng 6-2012, đã có 551 người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu tính chung từ đầu năm đến 15-6, đã có gần 2.000 lao động đến đăng ký hưởng BHTN.

 

Theo số liệu tổng kết của BHXH Việt Nam, sau 3 năm thực hiện Luật BHTN, số người đăng ký hưởng BHTN liên tục tăng nhanh qua các năm.

 

Năm 2009 mới chỉ có 5.993 người thì đến năm 2010, đã có 7.206 người và năm 2011 là 7.931 người. Đáng nói, chỉ trong các tháng đầu năm 2012, số người tham gia BHTN đã vượt con số người đăng ký BHTN trong cả năm 2011.

 

Theo Tiền Phong