1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa: Nâng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa dự kiến kinh phí khoảng 85 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ, chính sách và các doanh nghiệp, các tổ chức đơn vị sự nghiệp có chức năng đưa người lao động của tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021.

Theo đánh giá, trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư được quan tâm chỉ đạo. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại có bước phát triển khá, đã giải quyết việc làm bình quân hơn 60.000 lao động/năm.

Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên ở khu vực nông thôn và những vùng đô thị hóa đang là vấn đề bức xúc và gặp nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng và triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ NLĐ, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với tổng số tiền 15,783 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ cho 13.717 NLĐ với số tiền 15,509 tỷ đồng; hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động là 274,5 triệu đồng.

Thanh Hóa: Nâng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - 1

Giai đoạn 2016 - 2020, các chế độ, cơ chế chính sách được điều chỉnh, bổ sung là lao động thuộc 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, mức hỗ trợ, lãi suất tiền vay và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Tại kỳ hợp thứ 2, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về chính sách khuyến khích, hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2021. Theo đó, đối tượng là NLĐ có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; mức khuyến khích, hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người (giai đoạn 2010 - 2015 là 1 triệu đồng/người).

Dự kiến kinh phí thực hiện chính sách trong giai đoạn 2016 - 2021 khoảng 85 tỷ đồng, bình quân khoảng 14 tỷ đồng/năm. Kế hoạch trong giai đoạn này là đưa được 50.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, tạm tính khoảng 40% lao động được hưởng chính sách hỗ trợ, tương đương với 12 tỷ đồng mỗi năm; 1,5 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất tiền vay mỗi năm và hỗ trợ mỗi năm cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động khoảng 0,66 tỷ đồng.

Căn cứ vào hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do doanh nghiệp xuất khẩu lao động, đơn vị sự nghiệp hoặc chủ sử dụng lao động ký với NLĐ; thông báo xuất cảnh hoặc giấy chứng nhận tham gia quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (bản gốc hoặc bản sao công chứng); UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm định và chi trả trực tiếp cho người được ủy quyền hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 24 tháng, tính từ ngày thoát nghèo), hộ cận nghèo và hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; NLĐ là thân nhân của người có công với Cách mạng, người dân tộc thiểu số vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Mức hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay theo lãi suất hiện hành của NHCSXH áp dụng cho đối tượng chính sách vay đi xuất khẩu lao động; thời hạn vay được tính từ thời điểm vay nhưng tối đa không quá 24 tháng. Hàng năm, NHCSXH căn cứ vào đối tượng được hỗ trợ có vay vốn tại NHCSXH đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất cho NLĐ và quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

NHCSXH căn cứ các quy định về mức trần cho vay, lãi suất cho vay; xác nhận của doanh nghiệp xuất khẩu lao động về số tiền NLĐ phải đóng góp khi đi làm việc ở nước ngoài, thời gian hợp đồng lao động và đơn đề nghị vay vốn của NLĐ để quyết định số tiền cho vay, thời hạn vay, lãi suất cho vay; trên cơ sở đó xác định được số lãi tiền vay được hỗ trợ cho NLĐ để giảm trừ theo kỳ thu lãi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động , các tổ chức đơn vị sự nghiệp có chức năng đưa NLĐ của tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo việc làm ổn định, có thời gian làm việc đủ 12 tháng trở lên; mức thu nhập của NLĐ (ghi trên hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ký với NLĐ) từ 400 USD/tháng trở lên; tỷ lệ lao động gặp rủi ro trên tổng số lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài dưới 4%; thực hiện tốt các quy định của pháp luật cũng được khuyến khích, hỗ trợ.

Đối với doanh nghiệp (hoặc tổ chức, đơn vị sự nghiệp có chức năng) trong 1 năm đưa được từ 200 đến dưới 400 lao động của tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ số tiền bằng 200.000 đồng/lao động; doanh nghiệp trong 1 năm đưa được từ 400 lao động trở lên đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ số tiền bằng 250.000 đồng/lao động.

Duy Tuyên

Xử phạt 5 công ty xuất khẩu lao động số tiền hơn 450 triệu đồng

Trong tháng 11, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành quyết định xử phạt 5 công ty xuất khẩu lao động vì vi phạm trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thanh Hóa: Nâng mức hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - 2

Đó là các công ty: Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO NO 1), Tổng Công ty thép Việt Nam (VN STEEL), Công ty Cổ phần quốc tế IDC, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thăng Long TLG, Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Công nghệ.

Những công ty trên vi phạm một trong các lỗi sau: Không ký hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài với người lao động, không báo cáo danh sách lao động đi trước khi xuất cảnh gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước; đưa người lao động đi làm việc khi chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn lao động đi làm giúp việc gia đình; không báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước; không niêm yết công khai quyết định của Công ty giao nhiệm vụ cho Chi nhánh và bản sao Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Công ty tại trụ sở Chi nhánh …

H.M