1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tháng 7: Bộ LĐ-TB&XH trình gần 500 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ

(Dân trí) - “Trong tháng 7, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ xem xét và công nhận gần 500 hồ sơ liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ. Đây là kết quả của quá trình xử lý theo Quyết định 408/2017/QĐ-LĐTBXH và quy trình xử lý thường xuyên của ngành LĐ-TB&XH”.


Buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh, Thanh Hoá

Buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh, Thanh Hoá

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với cử tri 2 huyện Như Thanh và Tĩnh Gia, nhân buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa hôm 29/6.

“Nóng” với vấn đề người có công

Tiếp xúc cử tri 2 huyện Như Thanh và Tĩnh Gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có dịp lắng nghe nhiều trăn trở, băn khoăn của người dân về công tác thực hiện chính sách người có công, an sinh xã hội...

Về nhóm vấn đề lên quan tới công tác thực hiện chính sách người có công, cử tri Lê Bá Hoàn (xã Hải Châu, Tĩnh Gia) hỏi: Ông nội tôi hy sinh năm 1967, 3 nhân chứng về sự việc này vẫn đang sống. Nhưng tới nay, ông tôi chưa được công nhận liệt sĩ, đề nghị xem xét và trả lời sớm để gia đình?

Cử tri Đậu Văn Lan (xã Hải Hà, Tĩnh Gia) hỏi: Vẫn còn 4 trường hợp quân nhân hy sinh, hài cốt nằm trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ? Cử tri Trần Huấn (huyện Như Thanh) hỏi: Nhiều gia đình người có công vẫn còn gặp khó khăn về nhà ở, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công sẽ tiếp tục ra sao?...

Liên quan tới các vấn đề khác được dư luận xã hội quan tâm, cử tri Đậu Văn Lan (Tĩnh Gia) trăn trở tới chính sách đãi ngộ cho cán bộ công tác ở bãi ngang, công chức xã không được hưởng các quyền lợi như viên chức? Lương công chức còn thấp?

Cử tri Cử tri Mai Văn Châu (Tĩnh Gia) trăn trở làm sao có thêm nhiều cơ hội việc làm cho con em địa phương tại khu công nghiệp Nghi Sơn? Cử tri Nguyễn Sỹ Thu (Thanh Hóa) băn khoăn với tình trạng các dự án lớn có nguồn đầu tư của nhà nước nhưng đang thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, trách nhiệm của người liên quan?...

Ba lần lỡ hẹn nâng lương cho công chức.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: Nếu áp dụng cơ chế tiền lương cho công chức như hiện nay, chúng ta sẽ còn tiếp tục lỡ hẹn dù trước đó đã... lỡ hẹn 3 lần. Cả nước có tới 2,8 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó chỉ có khoảng 500.000 công chức từ trung ương tới cấp xã. Muốn ngân sách Nhà nước có nguồn để tăng lương cho đội ngũ công chức, chúng ta phải chuyển dần sang tự chủ toàn phần và tự chủ một phần cho nhóm các đơn vị đang quản lý số hơn 2,2 triệu viên chức còn lại.

Người dân cần sự thấu tình đạt lý

Lắng nghe ý kiến của các cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tiếp thu và gửi tới các cơ quan chức năng để giải quyết. Trong phạm vi công việc quản lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giải đáp nhiều vấn đề ngay tại hội nghị.

Về 4 trường hợp quân nhân đã hy sinh đã nằm trong nghĩa trang nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá chịu trách nhiệm làm rõ vấn đề này.

“Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá cần làm rõ việc 4 quân nhân này thuộc phiên hiệu đơn vị nào? gia đình đưa hài cốt về hay đơn vị nào đưa về nghĩa trang? đưa từ đâu về? Sau khi xem xét, nếu cần Sở sẽ trình Bộ xử lý theo tinh thần của Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác định người có công” - Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà mẹ liệt sĩ tại Thanh Hoá

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà mẹ liệt sĩ tại Thanh Hoá

Với đề nghị của ông Lê Bá Hoàn (Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hoá) công nhận trường hợp ông nội là Lê Bá Hoành mất năm 1967 là liệt sĩ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sau khi xem xét hồ sơ vụ việc đã trả lời ngay tại hội nghị.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Nếu xét theo hồ sơ của các cơ quan chức năng báo cáo thì khó công nhận là liệt sĩ. Vì cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hoá xác nhận ông Lê Bá Hoành bị mất do tai nạn từ đạn của địch bắn khi đang làm việc ở huyện, chứ không phải đang trực tiếp chiến đấu. Mặt khác, Khoản 2 Điều 17 của Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định không xem xét xác nhận liệt sĩ đối với những trường hợp chết từ ngày 31/12/1994 trở về trước, cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Tôi đã 2 lần báo cáo Chính phủ về khoảng 5.900 hồ sơ người có công còn tồn đọng, nếu chúng ta không quyết liệt giải quyết thì tương ứng sẽ có 5.900 gia đình khó có cơ hội được thụ hưởng. Trên cơ sở đó, Chính phủ có nghị quyết giao cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên được ban hành 1 văn bản có tính chất cá biệt - quyết định 408/2017/QĐ-LĐTBXH về giải quyết các trường hợp hồ sơ tồn đọng đề nghị xác định người có công”. Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông qua việc áp dụng quy trình của Quyết định 408/2017/QĐ-LĐTBXH và quy trình xử lý thường xuyên, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình gần 500 hồ sơ trình Chính phủ xem xét và công nhận liệt sĩ trong những ngày đầu tháng 7.

Để có thêm sự thấu tình đạt lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vẫn giao cho Sở LĐ-TB&XH xem xét tới tình tiết “hy sinh khi đang trực chiến” do gia đình khai báo. Nếu có đủ căn cứ như trên, Sở LĐ-TB&XH có thể xem xét báo cáo tới Bộ trưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giãi bày: “Tôi xin chia sẻ và cảm thông với trường hợp của gia đình ông Lê Bá Hoàn. Mỗi trường hợp hồ sơ tồn đọng được giải quyết và công nhận là một niềm vui, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách”.

Về trăn trở của cử tri liên quan tới chính sách nhà ở cho người có công với cách mạng, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội và Chính phủ đã quyết dành khoản ngân sách 8.600 tỉ cho chương trình xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hơn 326.000 căn nhà của đốu tượng chính sách trên toàn quốc.

“UBND Thanh Hoá có thể ứng trước ngân sách tương ứng với số nhà cần xây dựng trong danh sách đã được duyệt. Trường hợp khó khăn, UBND tỉnh Thanh Hoá có thể đề nghị Chính phủ cho ứng trước kinh phí” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trước mắt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị UBND tỉnh xử lý dứt điểm trong tháng 7/2017 hơn 100 trường hợp xây dựng nhà còn chưa thực hiện trong đợt đầu. Đồng thời đề nghị giải quyết xong vấn đề nhà ở cho người có công tại Thanh Hoá trong năm 2017-2018.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Bộ LĐ-TB&XH trao bằng khen tới 2 lão nông dũng cảm tố cáo tham nhũng

Chiều 23/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trao quyết định khen thưởng số 937 và 938/QĐ-BLĐTBXH tới 2 lão nông Nguyễn Công Uẩn và Nguyễn Tiến Lãng (trú tại Thuận Thành, Bắc Ninh) vì đã góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện gần 3.000 hồ sơ giả người có công giai đoạn 2010-2013.

Tháng 7: Bộ LĐ-TB&XH trình gần 500 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ - 3

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định tặng bằng khen cho ông Nguyễn Tiến Lãng (sinh năm 1938, cư trú tại phố Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Công Uẩn (sinh năm 1937, cư trú tại thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự dũng cảm của 2 lão nông, vượt qua nhiều trở ngại để tìm tới sự thật. Trước đó, để ban hành được quyết định này, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn xin ý kiến hiệp y UBND tỉnh Bắc Ninh - nơi 2 lão nông đang sinh sống - về việc chấp hành pháp luật của 2 lão nông. Được biết trong giai đoạn 2010-2013, hai lão nông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã dũng cảm tố cáo nhiều trường hợp làm giả hồ sơ người có công với cách mạng tại Thuận Thành (Bắc Ninh).

H.M

Sẽ tiến hành tìm mộ liệt sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, trong tháng 7/2017, việc tiến hành tìm mộ liệt sĩ được dự kiến thực hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực được chọn để tìm kiếm nằm ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành những bước đầu nhằm thu nhập thông tin phục vụ công tác khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ ở khu vực này. Được biết, khu vực được chọn từng là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 30/1 và 1/2/1968. Theo nhiều nguồn thông tin, khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất đã từng quy tập một ngôi mộ tập thể năm 1995. Tuy nhiên mới đây, một số thông tin mới phát hiện cho thấy khả năng vẫn còn một khu mộ khác với số mộ liệt sĩ rất lớn. Hiện tại, khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất đang có một dự án xây dựng được triển khai và rất có thể mộ tập thể nằm dưới khu vực này. Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, kế hoạch tìm kiếm đang được trình trình UBND TPHCM xem xét. Dự kiến khi triển khai, công tác tìm kiếm sẽ được phối hợp với một số đơn vị liên quan để khảo sát thực tế hơn.

V.P