Thân tàn, ôm nợ vì xuất khẩu lao động

Tự ý bỏ địa bàn vượt biên trái phép đi làm ăn xa đã kéo theo nhiều hậu quả khôn lường, nhiều người đang phải ôm nợ, thậm chí phải bỏ mạng.

Trong khi chương trình xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a ở các tỉnh Tây Bắc đang gặp nhiều khó khăn, không đạt kế hoạch và không giải được bài toán xóa nghèo cho đồng bào, thì hiện nay bà con ở các tỉnh Tây Bắc lại ồ ạt kéo nhau vượt biên đi làm thuê.

Việc tự ý bỏ địa bàn vượt biên trái phép đi làm ăn xa đã kéo theo nhiều hậu quả khôn lường. Thực tế đã có nhiều người bị lừa gạt quỵt mất tiền công, rồi tai nạn xảy ra cướp đi cả tính mạng. Việc đổi đời không thấy, mà hậu quả chỉ là đói nghèo, ôm nợ và bỏ mạng ở nơi xứ người.

Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sau 5 tháng kể từ khi xảy ra vụ tai nạn lật xe tại Hà Khẩu (Vân Nam – Trung Quốc) khiến hơn 20 người đang đi làm thuê chui bị thương vong, vẫn còn đó nỗi buồn, mất mát, chưa thể nguôi ngoai. Có gia đình bố mẹ mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ; có người phải chịu thương tật mà vĩnh viễn mà không thể phục hồi…

Căn nhà gỗ nằm sập sệ bên con đường chính dẫn vào xã của gia đình anh Phàn Chỉn Páo, chồng chị Lý Tả Mẩy, người đàn bà xấu số đã chết trong vụ tai nạn tại Hà Khẩu.

Anh Páo tâm sự, vợ chồng anh mới tách ra ở riêng từ hồi đầu năm, tháng 3 vừa rồi chị bàn với anh kế hoạch đi cùng mấy người trong làng sang làm thuê ở Trung Quốc, kiếm tiền về đầu tư cho sản xuất. Mới đi được hai hôm, được 400.000 tiền công thì gặp nạn. Vợ mất, gia cảnh nay càng thêm khốn khó, nheo nhóc. Hai đứa con nhỏ đều mắc chứng thiếu máu nên rất còi cọc. Bà nội tuổi đã cao cũng không thể giúp được gì.

than tan, om no vi xuat khau lao dong hinh 0

Em Chảo Láo Sử bị cụt cánh tay phải

Cách đó không xa là nhà em Chảo Láo Sử, Sử sinh năm 1991, tuổi đời còn rất trẻ nhưng cánh cửa tương lai đã gần như khép lại. Khi tai nạn xảy ra, Sử bị thương nặng, hôn mê mấy ngày. Tới khi tỉnh dậy trong bệnh viện đã thấy mình đã mất cả cánh tay bên phải.

Đầu năm 2014, Sử vừa tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi, em nuôi ước muốn ra trường trở về xây dựng quê hương. Tuy nhiên, tấm bằng đại học chưa kịp lấy, cũng chỉ vì theo chân người làng trốn sang Trung Quốc đi làm trong thời gian chờ lấy bằng, xin việc tai nạn xảy ra.

Em Chảo Láo Sử nói: “Ngày trước em dự định đi xin việc ở các tỉnh khác để học hỏi kinh nghiệm, sau tầm dăm ba năm sẽ về tỉnh mình làm. Bây giờ khó khăn hơn, cơ hội xin việc rất ít. Mấy hôm nữa em sẽ đi lấy bằng và hỏi các thầy. Nếu các thầy không đưa ra giải pháp nào em sẽ tự tìm cách”.

Tại xã Dền Sáng, năm 2014 có 3 trường hợp phụ nữ đi làm thuê ở Trung Quốc bị bắt cóc, sau đó 1 người may mắn trốn được về, 2 người còn lại thì không biết đang ở nơi đâu. Còn riêng từ đầu năm 2015 đến nay cũng có thêm 2 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương mà chưa thấy tin tức gì.

Hiện tại nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai đang có hàng nghìn người sang Trung Quốc làm thuê như vậy. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động & Thương binh xã hội tỉnh, trung bình mỗi năm ở Lào Cai có khoảng 4.000 trường hợp lao động chui tại Trung Quốc.

Trường hợp đôi vợ chồng trẻ Quàng Văn Tính ở bản Xuân Tre 2, xã Búng Lao, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên phó thác con nhỏ cho ông bà nội ngoại nuôi. 2 vợ chồng nghe theo người môi giới sang Trung Quốc làm ăn.

Trước khi đi, Tính vay 5 triệu đồng với  lãi xuất  12% tháng, sau gần 4 tháng làm không đủ ăn trên đất khách quê người, 2 vợ chồng tìm cách về Việt Nam đến nhà vẻn vẹn còn 300.000 nghìn đồng. Vậy là món nợ 5 triệu đồng hàng tháng trả 750.000 tiền lãi cho chủ nợ giờ không biết xoay sở thế nào. Lãi mẹ đẻ lãi con, không mấy chốc vợ chồng anh trở thành “con nợ”.

Kể lại câu chuyện bị lừa đi sang Trung Quốc giờ đây anh Tính vẫn không khỏi bức xức: “Họ lừa chúng tôi sang. Đi làm nhưng không biết lương bao nhiêu một tháng. Mỗi tháng họ chỉ cho được vài trăm ngàn, không đủ tiêu. Ngày làm 12 tiếng, ban đêm 9 giờ và tận 8h sáng hôm sau mới được nghỉ”.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng, 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh Điện Biên có tới trên 700 trường hợp xuất cảnh trái phép đi tìm việc ở nước ngoài. Các đối tượng này chủ yếu tập trung ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông... Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này được xác định là do người dân thiếu đất canh tác.

Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Điện Biên Đông cho biết: “Chúng tôi xác định đồng bào dân tộc ở huyện liên quan đến rất nhiều đồng bào dân tộc ở các địa bàn nước bạn như Lào, Trung Quốc…Như người dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái…đều có sự qua lại. Từ quan hệ họ hàng như vậy nên tình hình xuất cảnh trái phép đang là vấn đề nóng bỏng ở địa bàn này”.

Bị lừa quỵt tiền công lao động trở thành con nợ, rồi bị tai nạn rủi ro mất cả tính mạng khi vượt biên trái phép đi làm thuê bên kia biên giới đã là bài học của rất nhiều người dân ở khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, do nhận thức của nhiều người dân vẫn còn hạn chế nên không vì thế mà tình trạng này có phần cải thiện.

Vậy, các ngành chức năng, cũng như các tỉnh Tây Bắc cần phải có giải pháp gì xung quanh câu chuyện xóa nghèo cho bà con bằng lao động xuất khẩu, cũng như hạn chế tình trạng người dân tự ý bỏ địa bàn vượt biên trái phép đi làm thuê.

Theo VOV.VN