Tham gia CPTPP: Pháp luật lao động VN cần điều chỉnh gì?

(Dân trí) - Khi tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức từ thị trường lao động và nâng cao kỹ năng. Để có thể hưởng lợi tối đa từ thương mại tự do, Việt Nam cần có chính sách thị điều chỉnh hợp lý ngày từ bây giờ.


Hội thảo về chính sách thị trường lao động và nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế. (Ảnh: D.C)

Hội thảo về chính sách thị trường lao động và nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế. (Ảnh: D.C)

Đây là thông điệp chính của hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường chính sách thị trường lao động và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh gia nhập CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và những nỗ lực không ngừng nhằm phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA), thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động.

Một số điểm sáng nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động dần tăng lên.

Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về việc điều chỉnh pháp luật lao động khi VN tham gia CPTPP

Số lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng được tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động việc làm của Việt Nam vẫn tồn tại như cơ cấu lao động còn khá lạc hậu.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, những nỗ lực trong lĩnh vực lao động việc làm của Việt Nam thời gian quan nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng việc làm bền vững cho tất cả mọi người, nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng lợi ích từ thương mại tự do và tăng năng suất.

Đồng quan điểm trên, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại xã hội, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất. Đây là những nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Tại hội nghị, các chuyên gia từ Thuỵ Sỹ đã lắng nghe nhu cầu nâng cao kỹ năng của thị trường lao động Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm liên quan.

Nhận định tại Hội thảo, Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, cho biết: “Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại dựa trên bằng chứng đáng tin cậy, nhằm liên tục đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và người lao động”.

Bên cạnh đó, Giám đốc ILO tại Việt Nam cũng cho rằng, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng với đặc thù là Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tuân thủ 4 nội dung chính trong quy định của ILO

Đánh giá về các quy định liên quan tới người lao động trong CPTT, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng: Về cơ bản, các nội dung về lao động trong Hiệp định CPTPP đã kế thừa các nội dung trong dự thảo của Hiệp định TPP trước đây.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, thời gian đầu khi tham gia CPTT, Việt Nam đã ký thư thoả thuận song phương với 10 nước thành viên CPTTP. “Mục đích để họ không trừng phạt về thương mại khi VN tạm thời chưa thực hiện một số nghĩa vụ được quy định trong Chương 19”.

Ngoài ra, việc tuân theo quy định của ILO vẫn được đảm bảo thực hiện đầy đủ và có lộ trình khi tham gia CPTTP, với các nội dung được thể hiện trong Tuyên bố 1998, gồm: Tự do lập hội và thương lượng, chống lao động trẻ em, chống lao động cưỡng bức, chống phân biệt đối xử ở các ngành nghề.

Theo ông Lê Đình Quảng, Việt Nam là thành viên của ILO và khi tham gia CPTTP sẽ phải cam kết và thực thi. “Vấn đề là chúng ta cần nội luật hoá các tiêu chuẩn đó. Trong đó có vấn đề tổ chức của người lao động”.

Sau khi rà soát 265 văn bản, có 8 luật cần sửa đổi, trong đó có Bộ Luật Lao động năm 2012 với các quy định về lao động công đoàn.

“Với Luật Công đoàn, dù chưa cần sửa đổi ngay để hợp với CPTTP. Nhưng về lâu dài, chúng ta cần sửa đổi Luật Công đoàn để phù hợp với quy định về lao động trong CPTT, theo đó có tính tới mô hình tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…” - ông Lê Đình Quảng nói.

Hoàng Mạnh