1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thai phụ mắc Covid-19: "Ráng tăng ca kiếm tiền trả nợ rồi về quê"

(Dân trí) - Sau 2 tháng khỏi Covid-19, chị Quỳnh vẫn chưa thể ăn cơm, sức khỏe sa sút. Chị mong sớm được đi làm để kiếm tiền trả nợ rồi về quê trồng rau, nuôi gà.

Từ bỏ giấc mơ "đổi đời" vì Covid-19

Thai phụ mắc Covid-19: Ráng tăng ca kiếm tiền trả nợ rồi về quê - 1

Thai phụ quê Thanh Hóa cho biết, sau gần 2 tháng khỏi Covid-19, chị vẫn chưa ăn được cơm, mệt mỏi, xanh xao và mất sức.

Trong căn phòng trọ nhỏ ở quận Bình Tân, TPHCM, chị Bùi Thị Quỳnh (37 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng con gái 9 tuổi thẫn thờ chờ chồng đi làm về để lấy tiền đi chợ. Thỉnh thoảng chị Quỳnh lại xem giờ vì con gái liên tục hỏi "Bố sắp về chưa mẹ".

"4 tháng thất nghiệp, vợ chồng tôi phải đi vay mượn 15 triệu đồng để lo chi phí gia đình. Chồng tôi cũng chỉ mới đi làm phụ hồ lại được vài ngày nhưng phải xin ứng tiền về cho tôi đi chợ mua đồ ăn. Tiền trọ sắp tới cũng chưa biết tính sao", chị Quỳnh thở dài.

Chị Quỳnh cho biết, ngoài con gái 9 tuổi, chị còn một con lớn 13 tuổi đang ở quê. Vừa rồi, khi con nhập học, ông bà nội phải bán hết gà, vịt trong nhà mới đủ tiền mua sách cho cháu. Vợ chồng chị Quỳnh đã cạn kiệt tiền bạc nên đành nhờ ông bà nuôi đỡ cho một cháu.

Thai phụ mắc Covid-19: Ráng tăng ca kiếm tiền trả nợ rồi về quê - 2

Chị Quỳnh đã từ bỏ giấc mơ "đổi đời" ở TPHCM và chỉ mong sớm về quê trồng rau, nuôi gà. 

"Hồi tháng 8, khi tôi đi khám thai định kỳ thì phát hiện mình mắc Covid-19. Sau đó, cả chồng và con đều mắc bệnh nhưng may mắn đã vượt qua. Giờ khỏi bệnh đã 2 tháng rồi nhưng tôi vẫn mệt mỏi, sức khỏe yếu, chưa thể ăn cơm, chứng viêm xoang cũng trở nặng", chị Quỳnh than thở.

Chị Quỳnh kể, hơn 10 năm trước, vợ chồng chị vào TPHCM để lập nghiệp. Hai vợ chồng trẻ mang theo hoài bão sẽ kiếm thật nhiều tiền để thay đổi cuộc sống và xây một ngôi nhà khang trang. Ước mơ chưa thực hiện được. Nay, Covid-19 ập tới khiến chị Quỳnh thay đổi ý định. Giờ chị chỉ mong sớm có thể trở về quê để trồng rau nuôi gà, sống những tháng ngày yên ả bên bố mẹ, con cái.

"Cố đi làm để trả hết nợ rồi tôi cũng dọn đồ về quê. Tôi không sợ dịch nữa nhưng nhờ trận dịch này tôi mới nhận ra, làm lụng vất vả bao lâu vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống nơi thành phố đắt đỏ...", chị Quỳnh trải lòng.

Khi công ty thông báo chuẩn bị đi làm trở lại, chị Quỳnh nói: "Tôi sẽ ráng tăng ca và làm đến những ngày cuối cùng trước khi sinh để có tiền trả nợ. Trả nợ xong thì về quê".

Tha phương cầu thực 20 năm vẫn trắng tay

Thai phụ mắc Covid-19: Ráng tăng ca kiếm tiền trả nợ rồi về quê - 3

Xóm trọ của anh Đô hầu hết mọi người đều đã mắc Covid-19. 

Cách nhà chị Quỳnh không xa là nơi anh Lê Văn Đô (38 tuổi, quê Quảng Ngãi) thuê trọ gần 10 năm nay. Khu trọ có 8 phòng với khoảng 20 lao động nghèo thuê trọ, hầu hết đều đã nhiễm Covid-19 và cạn tiền vì dịch.

"Tưởng hết bệnh sẽ khỏe nhưng giờ vẫn chưa hồi phục, tôi hay tức ngực, khó thở và hay quên. Làm một chút là mệt nhưng phải cố kiếm tiền lo cho 2 con nhỏ và cha mẹ già ở quê", anh Đô tâm sự.

Vừa qua, để 2 con có thiết bị học online, chiếc điện thoại cũ với giá chỉ 3 triệu đồng nhưng vợ chồng anh Đô phải trả góp vì không còn tiền trong túi. Mỗi sáng, 2 vợ chồng anh nấu cơm rồi đi làm, để 2 con nhỏ ở nhà tự ăn, tự học. 

Thai phụ mắc Covid-19: Ráng tăng ca kiếm tiền trả nợ rồi về quê - 4

Góc học tập sơ xài, tạm bợ của 2 con, do chính tay anh Đô thiết kế.

Đọc tin tức về những tai nạn thương tâm khi để trẻ nhỏ học online một mình, anh Đô cũng lo lắng và xót con, nhưng... "không đi làm thì cả nhà chết đói".

Chẳng có điều kiện để bồi bổ cho mau lại sức hậu Covid, vợ chồng anh Đô cũng như nhiều lao động tay chân khác đành tạm "ngó lơ" sức khỏe của mình. Với anh, kiếm tiền lo 3 bữa cơm cho gia đình là việc quan trọng nhất.

"Ăn no rồi mới dám nghĩ đến những chuyện khác được. Giờ chỉ mong công việc thuận lợi để kiếm được nhiều tiền rồi về quê thôi. Về quê cho gần cha mẹ, tha phương cầu thực gần 20 năm rồi vẫn trắng tay", anh Đô thở dài.