Thái Nguyên: Chủ động kết nối cung cầu, tạo việc làm cho người lao động
(Dân trí) - Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Thái Nguyên, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2019, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3.565 người (tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018), gần 13.000 lao động được tư vấn và giới thiệu việc làm, số người được giới thiệu việc làm là gần 1.200 người.
Để lao động mất việc biết và thụ hưởng kịp thời các chính sách, công tác tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp cũng được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên chú trọng triển khai. Nhờ đó, số người lao động đến giao dịch ngày càng tăng cao.
Đa dạng hình thức tuyên truyền bảo hiểm thất nghiệp
Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên Phạm Như Thùy, qua 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách về BHTN bằng nhiều hình thức.
”Tại Trung tâm đã thực hiện đăng tải thông tin tuyên truyền trên trang website: www.vieclamthainguyen.gov.vn; treo băng rôn, pano và thông báo trên bảng tin; Tổ chức Hội nghị tuyên truyền và trực tiếp đối thoại. Chúng tôi đã giải đáp thắc mắc cho người lao động, phát tờ rơi tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và các doanh nghiệp tại các phiên giao dịch việc làm hàng tháng” - bà Phạm Thị Thuỳ cho biết.
Cùng với đó, Trung tâm còn tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, qua đó thực hiện tuyên truyền chính sách BHTN. Đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối cung - cầu lao động, tư vấn học nghề cho người lao động.
Ngoài ra, phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách BHTN cho đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy (Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhằm tuyên truyền, đảm bảo việc thực hiện chính sách BHTN cho người lao động theo quy định hiện hành.
Các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình ...cũng là một kênh thông tin quan trọng được Trung tâm sử dụng để tổ chức tuyên truyền chính sách BHTN. Không chỉ dành riêng cho người lao động, công tác tuyên truyền của Trung tâm còn hướng đến đối tượng người sử dụng lao động. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với công tác tuyên truyền, việc tiếp nhận và giải quyết chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng đã được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã chủ động tham mưu với phòng chuyên môn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện chế độ BHTN cho người lao động.
Đặc biệt Trung tâm đã tích cực làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên để khai thác các vị trí việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thực hiện giới thiệu và cung ứng việc làm cho người lao động có nhu cầu, khả năng làm việc. Đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên chính thức áp dụng mô hình hình một điểm dừng cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn.
Kết hợp tuyên truyền BHTN với tư vấn việc làm
Bên cạnh những thuận lợi, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên Phạm Như Thùy vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể như: Người lao động thực sự có nhu cầu tìm việc làm, học nghề còn hạn chế. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Các ngành nghề chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhu cầu của thị trường nên có ảnh hưởng đến kết quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm - nghề học cho người lao động.
“Thời gian và số lượng doanh nghiệp chủ động thực hiện thông báo tình hình biến động lao động hạn chế nên còn khó khăn trong công tác phân tích, tổng hợp số liệu phục vụ công tác đánh giá, định hướng tình trạng việc làm của người lao động trên địa bàn” - bà Phạm Thị Thuỳ cho biết.
Trong quá trình quản lý, theo dõi thông tin người lao động vẫn còn hiện tượng người lao động có việc làm nhưng không tự giác trình báo với Trung tâm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đồng thời, việc kết nối với Bảo hiểm xã hội tỉnh đã được thực hiện, nhưng dữ liệu truy cập không được đầy đủ, không đáp ứng được nhu cầu tra cứu thông tin về tình trạng việc làm của người lao động. Đôi lúc thông tin phản ánh chưa được kịp thời với thực tế làm việc của người lao động.
Đánh giá về các giải pháp trong thời gian tới, bà Phạm Thị Thuỳ cho biết: “Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó chú trọng kết hợp tuyên truyền chính sách BHTN với tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, nghề học nhằm hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm, giảm thiểu số người đề nghị hưởng chế độ BHTN”.
Bên cạnh đó, Trung tâm tập trung tìm kiếm và khai thác thông tin thị trường lao động làm phong phú vị trí tuyển dụng để tổ chức tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để đa dạng các ngành nghề nhằm qua đó định hướng ngành nghề để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm.
Hơn 3.356 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
Với sự tích cực của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên, ước tính các tháng đầu năm 2019, số lao động đến giao dịch tại Trung tâm ngày càng tăng.
Trong đó, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: 3.565 người (tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018). Số lao động đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 3.230 người (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018).
Số lao động có quyết định hỗ trợ học nghề: 255 người (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2018). Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm: 12.905 người. Trong đó, số người được giới thiệu việc làm: 1.119 người (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Quang Minh