1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thạc sĩ, cử nhân rời phố về quê mở... xưởng bún

(Dân trí) - Rời giảng đường đại học, nhiều bạn trẻ có tấm lý ở lại thành phố tìm việc làm, chờ cơ hội phát triển sự nghiệp. Nhưng 3 thanh niên vùng “quê lúa” Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), "con đường" về quê hợp sức mở xưởng bún, duy trì nghề của cha ông lại được ưu tiên.

Câu chuyện khởi nghiệp của 3 thanh niên trẻ (một là thạc sĩ, một kỹ sư, kế toán) khiến nhiều người dân địa phương trầm trồ, bàn tán không ngớt, bởi ý tưởng khá táo bạo khi chọn cách phát triển sự nghiệp, tạo lập tương lai bằng chính nghề truyền thống của gia đình, quyết tâm làm giàu ngay trên vùng quê nghèo khó.

Ba thanh niên trẻ được nhắc đến ở đây là Nguyễn Hữu Vinh (26 tuổi), Nguyễn Đăng Tôn Cảnh và Nguyễn Phước Ánh (cùng 25 tuổi, cùng trú tại thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị).

“Người ta đã làm bún, mình đi sau phải “đột phá” mới cạnh tranh nổi”

Làng Linh Chiểu, xã Triệu Sơn vốn nổi tiếng khắp vùng Triệu Phong, Quảng Trị với nghề truyền thống làm bún. Nghề này đã gắn bó với người dân từ hàng chục năm nay, góp phần thay đổi bộ mặt đời sống bà con, tạo được công ăn việc làm cho không ít người.

Gần đây, mô hình “bún sạch Vạn Linh” được manh nha và bước đầu đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Chủ nhân của xưởng bún sạch nói trên không ai khác chính là 3 thanh niên trẻ sinh ra và lớn lên ngay tại vùng quê này.

Công đoạn chia tách bún sợi trước khi ra thành phẩm
Công đoạn chia tách bún sợi trước khi ra thành phẩm

Giữa buổi chiều, cơ sở sản xuất bún Vạn Linh bắt đầu hoạt động và kéo dài đến tận đêm khuya để có sản phẩm phân phối ra thị trường. Mới gặp lần đầu sẽ không ai nghĩ rằng 3 thanh niên trẻ điển trai, tài năng này lại chọn cách lập nghiệp là mở xưởng bún. Vinh là kỹ sư xây dựng.

Cảnh cũng đang hoàn thành luận án thạc sĩ tại ĐH Kinh tế Huế, còn Ánh tốt nghiệp ngành Kế toán. Cùng sinh ra ở một miền quê, 3 chàng trai đã “bén duyên” với cái nghề truyền thống của gia đình và hẹn nhau trở về quê mở xưởng bún sạch với quyết tâm thay đổi cuộc sống tương lai.

Nguyễn Hữu Vinh (SN 1990), thành viên của nhóm cho biết: “Em học ngành Xây dựng dân dụng (ĐH GTVT Hà Nội) và tốt nghiệp năm 2014. Cùng thời điểm đó thì Cảnh và Ánh cũng vừa hoàn thành chương trình Đại học, riêng Cảnh vừa đi làm vừa học lên thạc sĩ. Sau mấy năm làm việc tại một số công ty ở thành phố, chúng em hẹn nhau trở lại quê mở xưởng sản xuất bún.

Ban đầu, do chưa có gì trong tay nên phải học hỏi kinh nghiệm, nguồn vốn cũng chưa có bao nhiêu. Hơn nữa, ở quê thì cũng đã có nhiều xưởng làm bún nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Mình đi sau nên chúng em quyết định phải làm một điều gì đó mới mẻ, khác với những gì họ đã làm thì mới hy vọng cạnh tranh được”.

Nhóm thành viên cơ sở bún Vạn Linh đặt mục tiêu chú trọng khâu vệ sinh, đảm bảo làm ra sản phẩm sạch
Nhóm thành viên cơ sở bún Vạn Linh đặt mục tiêu chú trọng khâu vệ sinh, đảm bảo làm ra sản phẩm sạch

Sau quá trình khảo sát thị trường rồi mô hình bún sạch Vạn Linh cũng đã manh nha. Các chàng trai trẻ đã bắt tay vào gây dựng sự nghiệp, đặt nền móng xây dựng ước mơ bằng việc cải tạo lại xưởng cũ của gia đình. Với số vốn ban đầu khá ít ỏi chỉ 60 triệu đồng, các thanh niên phải tiết kiệm từng đồng, ưu tiên sửa sang lại nhà xưởng; thuê máy làm bún; đóng bao bì; thuê nhân công…

“Ban đầu 3 anh em bắt tay vào làm, cha mẹ cũng không hưởng ứng vì suy nghĩ cho con cái đi học là để mong muốn có tương lai tươi sáng hơn, có chỗ làm ổn định, thu nhập ổn. Thế nhưng, chúng em đã quyết tâm theo đuổi nghề truyền thống nên mọi người cũng xoay chiều và quay sang ủng hộ, tạo điều kiện để các con phát huy ý tưởng, hoàn thành dự định. Bước đầu, do khó khăn về vốn nên nhóm em chỉ mới dám đầu tư với quy mô nhỏ, sau này sẽ tích lũy kinh nghiệm và phát triển dần”, Cảnh tâm sự.

Bún sạch Vạn Linh do 3 thành viên, cũng là bạn thân hợp sức và duy trì. Vinh và Cảnh giới thiệu sản phẩm bún sạch đóng gói trong bao bì được hút chân không
Bún sạch Vạn Linh do 3 thành viên, cũng là bạn thân hợp sức và duy trì. Vinh và Cảnh giới thiệu sản phẩm bún sạch đóng gói trong bao bì được hút chân không

Sau hơn 2 tháng, mô hình sản xuất bún sạch Vạn Linh dần đi vào ổn định. Sản phẩm làm ra đã tìm được nơi tiêu thụ và tình trạng thua lỗ, ế ẩm cũng được cải thiện dần. Lúc đầu xưởng chỉ sản xuất khoảng 50-60kg, nhưng hiện mỗi ngày cơ sở bún sạch Vạn Linh cũng đã cho ra lò khoảng 7-8 tạ bún thành phẩm.

Chú trọng chất lượng là chính, tạo sự tin cậy với người tiêu dùng

Với sản phẩm bún ở các xưởng trên địa bàn khi xuất xưởng chỉ sử dụng sau vài giờ và rất dễ hư hỏng nếu sử dụng qua đêm, các chàng trai đã khắc phục được yếu điểm này bằng cách đầu tư máy hút chân không để đóng gói, bảo quản được tối đa 2 ngày mà vẫn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là điểm khác biệt mà chưa có cơ sở làm bún nào tại địa phương áp dụng.

Đặc biệt, nhóm thành viên của cơ sở bún sạch Vạn Linh đã biết chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu cũng như chủ động đưa mẫu đi kiểm nghiệm để đạt được các chứng nhận về an toàn thực phẩm.

Những thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân đam mê với việc làm bún, phát triển ý tưởng bún sạch
Những thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân đam mê với việc làm bún, phát triển ý tưởng bún sạch

Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, một thành viên của nhóm chia sẻ: “Nhóm em mới bắt tay vào làm nên muốn cạnh tranh với họ thì phải chú trọng về chất lượng, bước đầu phải tạo được tin cậy đối với người dùng. Một khi mọi người tin tưởng thì sản phẩm của mình mới tiêu thụ ổn định được. Phương châm của nhóm là cái gì cũng phải sạch. Muốn làm ra bún sạch thì phải kiểm soát chặt chẽ mọi quy trình, ngay từ khâu nhà xưởng, máy móc, bao bì đều phải gọn gàng, sạch sẽ, nhân công khi bắt tay vào làm cũng phải tươm tất... Sản phẩm bún của nhóm em được làm từ gạo nguyên chất, không hàn the, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng”.

Hiện xưởng bún Vạn Linh với sự góp mặt của chục nhân công, ngoài những người làm thuê thì Cảnh, Ánh phụ trách việc đi giao bún, còn Vinh thì chủ yếu lo công việc bàn giấy, quảng bá thương hiệu. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, cả nhóm đã chia nhau đi mời chào hàng ở các khu chợ, các quán nhậu, các nhà hàng... trên địa bàn TP Đông Hà.

Nguyễn Đăng Tôn Cảnh cùng bạn đưa sản phẩm ra thị trường
Nguyễn Đăng Tôn Cảnh cùng bạn đưa sản phẩm ra thị trường

“Sản phẩm của mình làm ra chưa có nhiều người biết nên chúng em phải đầu tư vào việc quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phải nhờ sự hỗ trợ của các bạn bè, người thân để giới thiệu và đưa bún đi chào hàng khắp nơi. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ngoài TP Đông Hà và Lao Bảo thì nhóm em cũng đã gửi sản phẩm ra Đồng Hới (Quảng Bình), vào Huế, nhưng số lượng chưa nhiều”, Vinh cho biết.

... và đưa sản phẩm đóng gói vào các chợ trên địa bàn
... và đưa sản phẩm đóng gói vào các chợ trên địa bàn
Bún sạch Vạn Linh được nhóm thanh niên kỳ vọng sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng
Bún sạch Vạn Linh được nhóm thanh niên kỳ vọng sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng

Bên cạnh việc vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, mục tiêu của 3 thanh niên trẻ trong giai đoạn hiện nay là khâu giới thiệu sản phẩm, làm ra sản phẩm số lượng vừa phải để tiêu thụ hết và giảm tối đa thua lỗ. “Hiện nay, dù bán ra chưa nhiều và chúng em cũng đang bị lỗ vốn nhưng đã đỡ hơn nhiều so với mấy tháng trước. Nhóm em hy vọng, bằng sự tận tâm và chất lượng đảm bảo, sản phẩm của mình sẽ tạo được niềm tin với mọi người, thời gian tới sẽ tiêu thụ được nhiều hơn”, Cảnh tự tin nói.

Với ý tưởng làm bún sạch của nhóm 3 chàng trai trẻ được cho là sự cải thiện, hướng đi phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện nay, khi mà thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, đe dọa sức khỏe của cộng đồng.

Đăng Đức