Đồng Tháp:
Tấp nập mua bán ở "chợ ma" lúc nửa đêm
(Dân trí) - Trong đêm tối mở ảo, ánh đèn dầu leo lét không nhìn rõ mặt, những cụ già tóc bạc tái hiện cảnh mua bán chiếu của 200 năm trước tại chợ Định Yên, Đồng Tháp.
Hạnh phúc khi được làm diễn viên
Một tháng nay, 150 người, phần đông là người già ở làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) phấn khởi khi được "huy động" làm diễn viên chính trong show diễn thực cảnh "chợ ma". Họ vui vì không gian xưa được tái hiện, hạnh phúc vì được góp phần gìn giữ những hình ảnh ký ức quê hương.
Hàng ngày, dàn diễn viên được tập trung ra bến sông trước đình Định Yên, trên nền "chợ ma" cũ. Mỗi người có thể vào vai thợ dệt, thợ nhuộm, gánh hàng rong, lái đò, khách mua chiếu.
"Chúng tôi diễn những việc đã làm suốt hàng chục năm, nói những câu thoại hàng ngày vẫn nói, nên dễ lắm. Được đi diễn rất vui, không có thù lao vẫn vui", bà Nguyễn Thị Vân (64 tuổi) chia sẻ.
Nhà bà Vân 3 đời dệt chiếu, bản thân bà học nghề năm 12 tuổi. Kể từ đó, ngày ngồi dệt chiếu, đêm bà Vân cùng cha mẹ ôm thành phẩm ra chợ bán.
"Ngày bận dệt nên đâu đi bán được, nửa đêm về sáng làng mới có hàng đưa ra chợ, mua bán ban đêm, đèn dầu leo lét không rõ mặt người nên mới có tục gọi chợ ma. Ban đầu chỉ có người mua bán chiếu, dần dà có gánh hàng rong bán đồ ăn, rồi thành khu chợ sầm uất", bà Vân giải thích.
"Giải nghệ" đã nhiều năm nay mới lại ngồi vào khung dệt, nhưng bà Vân bảo rằng "chẳng khó gì, nghề ở trong máu rồi".
Không ai rõ "chợ ma" có từ năm nào, nhưng chợ "mất" chừng 30 năm về trước khiến ai trong làng Định Yên cũng tiếc. Khi làng có điện, nhà nhà sắm máy dệt, chẳng ai còn muốn thức đêm đi bán hàng. Hàng làm ra nhiều, thương lái đến tận xưởng nên chợ cũng chẳng còn lý do tồn tại.
"Chợ tan, nét quê của ông cha cũng mất, tiếc lắm. 30 năm rồi, không ngờ cuối đời còn thấy chợ được phục dựng, tôi mừng lắm. Cả tôi và bà nhà tôi đều được mời làm diễn viên, vui mừng, hạnh phúc lắm, hôm nào cũng đi sớm, không hôm nào nghỉ", ông Trần Văn Chín (69 tuổi) nói.
Ông Chín học nghề dệt năm 15 tuổi nhưng 30 năm trước, khi máy dệt về làng, ông Chín phải "nghỉ hưu", ngồi trông cháu. Nay có cơ hội làm lại nghề xưa, ông Chín bảo rằng "bỗng thấy như trẻ ra, làm không thấy mệt".
Hoạt cảnh diễn từ chiều đến đêm, nhiều động tác nhưng hơn trăm diễn viên không ai lộ vẻ mệt mỏi. Trong không gian mờ ảo, trăm "con ma" đều hiện nét mặt mừng vui.
"Chợ ma" là sản phẩm du lịch độc nhất vô nhị
Nghề dệt chiếu ở Định Yên đã có lịch sử trên 200 năm, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013. Đình Định Yên cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2017.
Việc Đồng Tháp phục dựng lại cảnh sản xuất, buôn bán chiếu ở làng nghề Định Yên được chuyên gia đánh giá cao về giá trị kinh tế và văn hóa.
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) - người có chuyên môn trong việc xây dựng, quản lý không gian du lịch nhận định: "Chợ ma là sản phẩm du lịch độc nhất, khi nói chợ ma người ta nghĩ ngay Định Yên, Đồng Tháp".
Ông Sự cho rằng việc phục dựng "chợ ma" như là "phủi bụi thời gian trên giá trị văn hóa".
"Phục dựng chợ ma Định Yên không chỉ để kiếm tiền, trước hết là vì văn hóa và mục đích cuối cùng phục vụ cho văn hóa. Bởi tiền có thể kiếm, còn văn hóa khi đã bị mai một, mất đi thì khó kiếm lại được", ông Sự nhận xét.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành du lịch tỉnh rất tâm đắc với sản phẩm du lịch mới mang tính khác biệt, đặc trưng không trùng lắp của làng chiếu Định Yên.
Đây là lần đầu tiên sản phẩm kết hợp giữa du lịch và nghệ thuật được ra mắt tại Đồng Tháp, nhằm khơi dậy những giá trị truyền thống, văn hóa đặc sắc để giới thiệu đến khách du lịch trong và ngoài nước.
Sau một tháng tập dượt, đêm 29/9, tỉnh Đồng Tháp chính thức ra mắt sản phẩm du lịch "Chợ ma Định Yên".
Việc tái hiện cảnh dệt chiếu xưa sẽ được thực hiện chiều thứ 7 hàng tuần trên sân đình Định Yên. Riêng hoạt cảnh "chợ ma" sẽ diễn ra lúc 19h ngày thứ 7 của tuần 1 và tuần 3 hàng tháng, hoặc khi du khách có nhu cầu thưởng thức.
Đến Định Yên, ngoài tham quan làng chiếu, du khách còn được nghe đờn ca tài tử, được dạy hát dân ca Nam Bộ, tham gia trò chơi dân gian và thưởng thức những món ăn đặc sản.