Gặp "dị nhân" miền Tây có biệt tài vẽ tranh bằng chân

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Đôi tay bị khiếm khuyết nhưng trời ban cho chị Huỳnh Thị Xậm (ngụ tỉnh Hậu Giang) đôi bàn chân tài hoa để tạo ra nhiều bức tranh lung linh, rực rỡ sắc màu.

Tại Festival Áo bà ba 2023 tổ chức tại Hồ Sen (TP Vị Thanh, Hậu Giang), gian hàng của chị Huỳnh Thị Xậm (46 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ) - nghệ nhân khuyết tật có biệt tài vẽ tranh bằng chân - lúc nào cũng thu hút khách tham quan. Nhiều người cứ mải miết ngắm nhìn đôi chân chị Xậm khéo léo vẽ đủ thú chim trời, hoa cỏ. 

Chị Xậm cho biết, khi nhận được thông báo từ ban tổ chức mời đến sự kiện, chị rất vui mừng vì có cơ hội đem sản phẩm của mình giới thiệu đến mọi người. 

"Tôi đem đến lễ hội hơn 50 tác phẩm gồm tranh và túi vải. Du khách đến xem và còn mua ủng hộ giúp tôi", nữ nghệ nhân nói. 

Gặp dị nhân miền Tây có biệt tài vẽ tranh bằng chân - 1

Chị Huỳnh Thị Xậm có biệt tài vẽ tranh bằng bàn chân (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chị Xậm tâm sự, từ khi sinh ra chị đã bị khuyết tật nên luôn phải có người nhà chăm sóc. Gia đình nghèo, lại đông anh em nên hành trình tìm con chữ của chị Xậm lắm gian nan, thử thách. 

"Tôi khao khát được đi học lắm, muốn đến trường để biết mặt con chữ nên cha mẹ luôn cố gắng đáp ứng nguyện vọng của con.

Lúc đó đường đi không có, phải lội ruộng rất sình lầy nên mẹ phải bơi xuồng từ nhà tới trường cho tôi học chữ. Kiên trì đến năm 15 tuổi tôi đã được vào mẫu giáo", chị Xậm kể. 

Quá trình tật luyện viết chữ bằng chân lắm gian nan, chuột rút hay các ngón chân sưng phồng vì cầm bút quá lâu là trường hợp chẳng hiếm, và tất nhiên chị Xậm cũng không ngoại lệ. 

Ban ngày đến trường, tối về chị Xậm cặm cụi đốt đèn dầu luyện chữ. Dù ngón chân có rướm máu cũng không bỏ cuộc. Những nét chữ nguệch ngoạc xiêu vẹo từ từ cũng được tròn trĩnh. Chẳng bao lâu chị viết được tên của mình và những thành viên trong nhà. 

Gặp dị nhân miền Tây có biệt tài vẽ tranh bằng chân - 2

Du khách chụp hình lúc chị Xậm vẽ tranh trên túi xách. Giá thành tranh và túi xách dao động 200.000-500.000 đồng/sản phẩm" (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chia sẻ cơ duyên đến với con đường hội họa, chị Xậm cho biết, năm 2004, chị theo học nghề ở Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM. Tại đây, chị được học các lớp vẽ tranh, may, thêu. 

Ngoài ra, trung tâm, chị tạo điều kiện làm công việc quản lý thư viện và đứng lớp dạy xóa mù chữ cho những trường hợp cùng cảnh ngộ. 

Một thời gian sau, chị nhà trường hỗ trợ chị đi học đại học ngành Xã hội học ở TPHCM. Sau 4 năm giảng đường, chị tốt nghiệp và công tác ở trung tâm. 

"Năm 2021, do sức khỏe suy giảm nên tôi trở về nhà ở Hậu Giang sống với mẹ. Từ khi về quê tôi vẽ tranh kiếm sống nên cũng có thu nhập trang trải", chị Xậm bày tỏ. 

Được biết, chủ đề sáng tác của chị Xậm chủ yếu về phong cảnh theo yêu cầu khách hàng. Với tranh vẽ trên giấy chị mất 2 ngày hoàn thành, còn vẽ trên túi xách chừng vài tiếng. 

Gặp dị nhân miền Tây có biệt tài vẽ tranh bằng chân - 3

Du khách chiêm ngưỡng tác phẩm trưng bày của chị Xậm tại gian hàng trong khu Hồ Sen (Hậu Giang) (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhìn thành quả được đón nhận, chị Xậm biết ơn cuộc đời đã đưa chị đến với lĩnh vực hội họa.

Chị tâm niệm: "Số phận đã an bài cho mình như thế, điều quan trọng là mình phải sống làm sao để làm chủ nó. Ngoài kia, còn nhiều người thua thiệt và bất hạnh hơn mình".

Chính suy nghĩ tích cực và lạc quan nên các tác phẩm của chị hầu hết đều có gam màu tươi sáng. Đây cũng là thông điệp mà người họa sĩ khuyết tật nhắn gửi, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải kiên cường sống. 

Ngắm những bức tranh của chị Xậm, anh Nguyễn Văn Cảnh (du khách Cần Thơ) bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tác giả. 

"Để có được các tác phẩm đẹp như hiện tại, ắt hẳn chị Xậm đã khổ luyện thời gian rất dài. Nghị lực của chị ấy rất đáng nể", nam du khách nói.