1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Đặt dớn cả đêm nhưng khi thu hoạch chỉ có vài con cá nhỏ, ông Đìa buồn ra mặt. Năm nay, số tiền 20 triệu đồng ông bỏ ra mua lưới không biết khi nào mới trả nổi. Nước lũ càng ít, ông càng lo.

Mùa lũ buồn vì ít nước, ít cá

3h ngày trước tết Trung thu, giữa cánh đồng nước nổi mênh mông ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), chỉ leo lét vài ánh đèn mờ. Mỗi đốm sáng nhỏ ấy là một gia đình ngư dân đang kiếm cá. 

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó - 1

Dớn là ngư cụ phổ biến trên những cánh đồng nước nổi miền Tây (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những ngư cụ như lưới, lợp, dớn được ngư dân sắp đặt sẵn từ ngày hôm trước, hoặc từ nhiều hôm trước, lúc con nước nổi mới về. Mỗi ngày, cứ chừng 2h sáng, từng cặp vợ chồng ngư dân lại bơi thuyền ra đồng để thu thành quả. Công việc của họ phải xong trước 5h sáng, để kịp đưa cá tôm ra chợ bán khi trời vừa sáng rõ.

"Hôm nay mưa, không con gì chạy cả, được ít lắm", ông Đìa (50 tuổi, ngụ huyện Hồng Ngự) buồn rầu nói.

Vợ chồng ông Đìa cất công bơi thuyền cả chục km ra mấy cánh đồng gần biên giới, đặt hơn chục cái dớn. Hai vợ chồng lại vất vả mấy tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay chỉ được chừng 10kg cá linh con loại nhỏ để ủ mắm.

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó - 2

Vợ chồng ông Đìa buồn vì năm nay cá chẳng có nhiều (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Tôi bỏ ra hơn 20 triệu đồng mua dớn nhưng năm nay nước về muộn, lại về ít, nên thua. Nước năm nay thấp quá, chỉ còn một con nước rằm tháng 8, cũng không còn hy vọng mấy", ông Đìa than thở.

Vợ chồng ông Đìa không có ruộng, mùa nước cạn thì đi làm mướn. Mỗi năm có 2 tháng nước nổi nhiều, ông bà mua dớn về đánh cá. Năm nay, hy vọng có thể kiếm được một khoản tiền nhỏ trong mùa lũ của ông Đìa đã gần như "phá sản". Tiền mua dớn phải chờ năm sau may ra mới hồi lại được.

5h sáng, thuyền của ông Thanh (50 tuổi) cập bến. Vợ chồng ông Thanh có hơn 30 cái dớn, ông cũng cất công bơi ra gần biên giới để đánh cá với hy vọng cá đầy thuyền.

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó - 3

Sau một đêm vất vả, người dân thu về chỉ một ít cá con (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Thua, không con gì chạy nhiều. 2 ký cua, 3 ký cá chốt, 3 ký cá linh, chục ký cá tạp. Tổng hôm nay 2 vợ chồng được chừng 400.000 đồng, mấy hôm trước có ngày được 200.000 đồng, có ngày còn chưa đến 100.000 đồng", ông Thanh liệt kê thành quả.

Không nhiều tôm cá như những năm trước, nhưng dù sao ông Thanh đi đánh cá vẫn có thu nhập cao hơn đi làm mướn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, ông Thanh cho biết nước năm nay chỉ về mấy ngày sẽ rút, nguồn thu sẽ không kéo dài. Khi đồng khô, vợ chồng ông Thanh lại dỡ dớn, đi làm mướn.

Kinh nghiệm không còn hiệu nghiệm

Gần sáng, thuyền của bà Hồng (52 tuổi) cũng cập bến. Khác với mọi người, thuyền bà Hồng không chở cá mà chở đầy lưới.

"Mười mấy cái dớn căng ra, mà chờ hoài nước không ngập, chuột cắn quá nên phải dỡ mang về", bà Hồng nói.

Theo kinh nghiệm 30 năm đánh cá của bà Hồng, cứ qua tháng 8 âm lịch là lũ đã đạt đỉnh, ruộng ngập sâu cả mét nước. Năm nay bà Hồng căng dớn theo kinh nghiệm, nhưng thất bại, nước về ít hơn hẳn mọi năm.

Trời dần sáng, một vài người giăng lưới cũng bắt đầu ra đồng thu hoạch. Họ lội bì bõm dưới nước, mực nước chỗ sâu cũng chưa đến rốn, chỗ nông thì chưa ngập đầu gối.

Anh Trí (45 tuổi) làm nghề lái xe. Mỗi năm cứ đến mùa nước nổi, anh lại ra đồng đặt duy nhất một cái dớn, chỉ cần bắt đủ 30kg cá linh về làm nước mắm là dừng.

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó - 4

Nước nổi không ngập quá đầu gối, nên cá cũng ít về (Ảnh: Nguyễn Cường).

Những năm trước, "chỉ tiêu" này Trí đã hoàn thành trong tháng 7 âm lịch. Năm nay đã đến tết Trung thu, anh vẫn chưa bắt được con cá nào.

"Con nước trước đồng có ngập rồi, nhưng không sâu, nước cũng rút nhanh. Còn con nước này với con nước rằm là hết mùa lũ. Các năm trước chỉ cần đặt 3 ngày là đủ cá làm nước mắm ăn cả năm, năm nay không biết ra sao", anh Trí chia sẻ.

Nước về ít, nước về muộn quá, cá không nhiều, có lẽ đó là câu than chung của ngư dân ở thượng nguồn sông Cửu Long trong mùa nước nổi năm nay. Dù đánh cá bằng gì, vì mục đích gì thì năm nay mọi người đều chung cảm xúc không vui, vì ít cá.

Xóm nhà sàn ngay nơi sông Hậu vừa đến lãnh thổ Việt Nam ở huyện An Phú (An Giang), mỗi năm người dân lại đánh dấu đỉnh lũ lên cột nhà. Những năm 1996, 2000,… lũ ngập hết cây cột. Đến năm nay, dù đã cuối con nước nhưng chân cột vẫn chưa hề ướt.

Mùa lũ buồn ở miền Tây, người dân kiếm vài ký cá làm mắm cũng khó - 5

Càng những năm gần đây, mực nước mùa nước nổi ở An Giang càng thấp (Ảnh: CTV).

Anh Dương (35 tuổi) nhớ lại, hồi trước khi nước ngập nhiều, chỉ cần ra sau nhà, lấy vợt xúc bừa xuống nước cũng có cá tôm ăn thoải mái. Nhưng những năm gần đây, nước có lên cũng chỉ lấp xấp mặt ruộng, nên nếu muốn ăn cá anh phải ra chợ mua.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Tiền trong tháng 8 năm nay thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và trung bình các năm trước khoảng 20-40cm. Nước lũ xả vào khiến mặt ruộng ngập sâu khoảng nửa mét.

Còn theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, trong nửa đầu tháng 9, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Tiền thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,7m, thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 1,4m. Ở đầu nguồn sông Hậu, đỉnh lũ trong nửa đầu tháng 9 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,6m, thấp hơn trung bình các năm trước khoảng 1m.