Tạo việc làm 2016: VCCI đề xuất mức tăng khoảng 10%

(Dân trí) - Phòng Công nghiệp và Thương mại VN đưa ra mức khoảng 10%, gồm từ 4-5% cho chỉ số giá tiêu dùng, 3% năng suất lao động bình quân và 3% nhằm bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Mức tăng này dựa vào căn cứ nào?


Lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/mức so với năm 2014.

Lương tối thiểu vùng năm 2015 đã tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/mức so với năm 2014.

Chi phí tăng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhằm đảm bảo nguồn việc làm ổn định cho người lao động trong năm 2016 và những năm sau, cần có sự điều chỉnh từ từ và cân đối các nguồn lực khác.

Với quy định lương tối thiểu, từ 1/10/2011 lương tối thiểu vùng được quy định chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Theo đó, các doanh nghiệp khu vực Nhà nước và ngoài nhà nước đều phải áp dụng lương tối thiểu vùng và chuyển đổi lương theo hệ thống thang bảng lương doanh nghiệp tự xây dựng và ban hành.

Việc tăng lương tối thiểu hàng năm và việc quy định về xây dựng và áp dụng thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP có thể đã tác động tiêu cực đến cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Theo VCCI cho biết, kết quả khảo sát của Viện Năng suất VN đánh giá năng suất lao động (NSLĐ) của toàn xã hội năm 2014 ước đạt 74,3 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ xã hội năm 2014 đạt 50,84 triệu đồng/lao động. Từ năm 2005 đến nay, NSLĐ hàng năm đều tăng với tỷ lệ bình quân hàng năm khoảng 3%.

Đặc biệt là các doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP phải chuyển sang thực hiện theo quy định của Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

Đại diện VCCI đơn cử: “Ví dụ đối với một số doanh nghiệp trong ngành may mặc với quy mô lao động khoảng vài ngàn lao động khi phải tự xây dựng thang, bảng lương mới và áp dụng mức lương tối thiểu vùng tăng từ 1/1/2015 thì các khoản chi phí đều tăng lên. Đặc biệt, mức đóng BHXH năm 2015 tăng 47% so với mức đóng năm 2014”.

Trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay, VCCI đánh giá đây thực sự là “cú sốc” đối với doanh nghiệp.

“Có thể là một cú sốc với doanh nghiệp, vì đứng trước tình trạng này nhiều doanh nghiệp có thể sẽ chọn phương án giảm phần lương mềm (ăn ca, thưởng các loại, tiền tham quan, nghỉ mát, hỗ trợ nhà trọ, nhà trẻ…) để bù lại phần lương cứng hoặc các khoản trích nộp tăng. Một số doanh nghiệp có thể chọn phương án tăng thời gian làm thêm giờ để giảm các khoản phải trích nộp trên một đơn vị sản phẩm” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Sức ép giảm giá sản phẩm

Theo VCCI, năng lực cạnh tranh quốc tế của các ngành nghề có nhiều lao động của VN chủ yếu dựa vào gia công. Một số lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động lắp ráp điện thoại di động; sợi, dệt may; giày dép; thủy sản.

“Khách hàng đang giảm giá hoặc đóng băng giá cả thì chi phí nguồn nhân lực liên tục tăng. Điều này ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Trong khi đó, thông thường giá bán sản phẩm đã được thương lượng trước thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu, khiến sự khó khăn trong kinh doanh gia tăng” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, các ngành lắp ráp điện thoại di động, da giày, thủy sản hướng ra xuất khẩu nên doanh nghiệp còn phải chi phí nhiều cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...

Việc điều chỉnh mức lương hàng năm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo thống kê của VCCI, VN có mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí do chủ sử dụng lao động đóng cao nhất so với các nước trong khu vực (doanh nghiệp Malaysia đóng khoảng 13%, Thái Lan 5% , Philippin 10%, Indonesia 8%).

VCCI thống kê tại nhiều doanh nghiệp, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và phí Công đoàn năm 2015 đều tăng 35% so với năm 2014. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động.

Khi tăng lương tối thiểu, các chi phí đặc biệt chi phí nguồn nhân lực cũng tăng theo từ đó ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

“Trong khi đó, cả nước có khoảng 483.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi do đó ảnh hưởng đến việc chi trả các chế độ chính sách cho người lao động” - ông Vũ Tiến Lộc bổ sung.

“Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi thấy rằng việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Tuy nhiên cần xây dựng lộ trình cụ thể cho việc tăng lương, căn cứ vào sự phát triển kinh tế và yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của cộng đồng doanh nghiệp…” - ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Hoàng Mạnh

TIN LIÊN QUAN:

Bắc Ninh: Hướng dẫn quy trình giải quyết hồ sơ BHTN

Trung tâm DVVL Bắc Ninh mới công bố quy trình hướng dẫn 6 bước để người lao động ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc thực hiện nộp hồ sơ và hoàn tất thủ tục hưởng BHTN. Theo đó, bước 1: Người lao động xuất trình CMND; Sổ BHXH, Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động/Hợp đồng làm việc (bản gốc); Bước 2: Hoàn thiện hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp; Bước 3: Cán bộ đối chiếu, kiểm tra hồ sơ, nghiệm thu hồ sơ, hướng dẫn người lao động nhận Quyết định trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 20 ngày làm việc theo phiếu hẹn kể từ ngày hoàn thiện hồ sơ; khi đến xuất trình phiếu hẹn, CMND, sổ BHXH (bản gốc).

Tạo việc làm 2016: VCCI đề xuất mức tăng khoảng 10% - 2

Ngoài ra, người lao động phải thông qua tiếp các bước 4: Trả quyết định theo giấy hẹn; Trung tâm Dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng TCTN, đã giải quyết hỗ trợ học nghề vào sổ BHXH và gửi lại người lao động); Bước 5: Thông báo tình trạng việc làm hàng tháng với Trung tâm DVVL về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng TCTN; Chuyển hưởng Trợ cấp thất nghiệp (nếu chuyển tỉnh khác). Bước 6: Lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp theo hướng dẫn của Cơ quan BHXH nơi nhận trợ cấp thất nghiệp…Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương, người lao động không đến Trung tâm DVVL thông báo tìm kiếm việc làm theo lịch hẹn, sẽ bị dừng trợ cấp thất nghiệp của tháng kế tiếp. Người lao động sẽ bị chấm dứt hưởng TCTN trong trường hợp 3 lần liên tục không thông báo tìm kiếm việc làm theo quy định.

Y.D

Quảng Trị: Khai giảng 9 lớp dạy nghề khuyến nông

Các lớp học trên nằm trong kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị thực hiện trong năm 2015.

Tạo việc làm 2016: VCCI đề xuất mức tăng khoảng 10% - 3

Theo đó, các lớp học đã thu hút trên 260 lao động nông thôn được tham gia đào tạo với 6 nghề: Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ném; Kỹ thuật nuôi gà thả vườn; Kỹ thuật trồng nấm sò/rơm; Kỹ thuật trồng chăm sóc cây cà phê; Kỹ thuật nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi gà. Các lớp được đặt ở nhiều huyện trong tỉnh như: Huyện Triệu phong, Hướng Hóa Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ và Đakrông. Kết thúc các lớp học, 100% học viên đều đạt yêu cầu và được Trung tâm công nhận và trao chứng chỉ. Lớp đào tạo nghề rất thiết thực với những lao động ở nông thôn giúp họ có cơ hội tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trang, bị cho nông dân những kỹ năng, kiến thức cơ bản chăm sóc cây trồng vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

D.V

Hà Nội: Tổ chức Phiên GDVL lồng ghép dành cho người khuyết tật

Phiên GDVL dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 8 tại 285 Trung Kính, Cầu giấy, Hà Nội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).

Tạo việc làm 2016: VCCI đề xuất mức tăng khoảng 10% - 4

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, theo kế hoạch năm 2015, Trung tâm có kế hoạch tổ chức 4 phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Đây là Phiên GDVL lần thứ 3 dành cho người khuyết tật. Dự kiến Phiên GDVL lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật hôm 17/9 có khoảng 37 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 10 doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật . “Tổng chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh của các doanh nghiệp, các đơn vị khoảng 600, trong đó chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh dành cho lao động là người khuyết tật là 150 vị trí” - ông Nguyễn Toàn Phong cho biết. Đây là hoạt động xã hội hướng tới hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật có được vị thế trong xã hội, hòa nhập vào cộng đồng nhằm xóa bỏ rào cản, mặc cảm đối với người khuyết tật.

K.L