Tăng thời gian làm thêm: Nhiều ý kiến trái chiều

(Dân trí) - Theo Dự thảo của Bộ LĐ-TB & XH, thời gian làm thêm giờ của người lao động trong doanh nghiệp được nâng lên tối đa 360 giờ/năm, thay vì 200 giờ/năm như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về Dự thảo này.

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ )vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ- TB & XH)  trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian làm thêm giờ của  người lao động trong doanh nghiệp được nâng lên tối đa 360 giờ/năm, thay vì 200 giờ/năm như hiện nay.

Quy định này nhận được sự đồng tình khá cao từ phía các doanh nghiệp, các đại diện cho rằng việc kéo dài thời gian làm thêm lên 360 giờ/năm là hợp lý, đáp ứng nhu cầu làm thêm giờ sản xuất của người sử dụng lao động và nhu cầu tăng thêm thu nhập của người lao động (NLĐ), nhất là trong ngành da giày, dệt may.
 
Đại diện một Công ty may lớn tại Hưng Yên cho rằng, thực tế các DN may trên cả nước, những tháng chính vụ, số giờ làm thêm đều vượt quá mức 30 giờ so với dự thảo Bộ Luật hiện nay. Vị đại diện này cũng đưa ra bằng chứng qua khảo sát một số đơn vị ở TP Hồ Chí Minh cho thấy nhiều DN không tổ chức làm thêm cho người lao động (vì sợ phạm luật) thì người lao động khi hết giờ làm vẫn tranh thủ đi làm thêm ở một số nhà hàng, tổ hợp để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình.

Tăng thời gian làm thêm: Nhiều ý kiến trái chiều  - 1

Tổng liên đoàn cho rằng tăng giờ làm thêm chưa phù hợp với thể chất người Việt. (Ảnh minh họa)

Đại diện cho Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, rất khó nhà đầu tư nước nước ngoài có thể  tuân theo quy định mức làm thêm giờ tối đa 200 giờ. Thực tế, hiện nay, ngay cả các đối tác khách hàng nước ngoài cũng quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động lên đến 60 giờ/tuần.  “Thậm chí NLĐ có thể làm thêm giờ lên đến hơn 500 - 600giờ/năm, nếu thỏa thuận mức lương hợp lý”, đại diện phía DN Hàn Quốc đưa ra ý kiến.

Tuy nhiên, nhận định về vấn đề này, phía Tổng Liên đoàn LĐVN cho rằng, nên giữ nguyên như (BLLĐ) hiện hành, bởi với thể chất người của NLĐ Việt Nam và điều kiện làm việc ở các DN còn chưa được đảm bảo thì vấn đề làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và an toàn lao động.

Tại Hội nghị công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn tổ chức sáng 25/10, ông Mai Đức Chính Phó chủ tịch TLĐLĐVN cho rằng việc tăng thời gian làm thêm trong điều kiện chưa xây dựng cơ chế giám sát, chế tài xử lý vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người sử dựng lao động khai thác triệt để sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với độ tuổi lao động hiện hành. Mặt khác, nếu so sánh thời giờ làm việc của cán bộ công chức với người lao động thì một tháng NLĐ đã phải làm nhiều hơn so với cán bộ công chức, ít nhất là 32 giờ.

“Nay nếu cho phép thời giờ làm thêm 1 năm 360 giờ ( tương đương 45 ngày) thì NLĐ quanh năm chỉ biết làm việc, không có thời gian để học tập nâng cao trình độ và chăm sóc gia đình. Hơn nữa, việc kéo đài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ, sản xuất ngày càng phát triển thì thời giờ làm việc phải giảm xuống nhằm đảm bảo sức khỏe đời sống NLĐ chứ không phải tăng lên như dự thảo BLLĐ sửa đổi”- đại diện Tổng liên đoàn nói.

P. Thanh