Tăng phiên giao dịch việc làm, ứng dụng công nghệ kết nối cung cầu lao động
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, thị trường lao động Việt Nam có tiềm năng với dân số trẻ, nguồn cung nhiều. Nếu tăng cường phiên giao dịch việc làm, ứng dụng công nghệ sẽ giúp kết nối nhanh cung cầu lao động.
Tại tọa đàm trực tuyến do báo Dân trí phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa tổ chức với chủ đề: "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả", ông Huế cho rằng, việc mất cân đối cung cầu, thị trường lao động thiếu linh hoạt sẽ gây tác động lớn, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Điều này dẫn tới gia tăng nguy cơ mất việc làm. Khi người lao động không có việc làm, tệ nạn xã hội dễ tăng.
"Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm rất quan trọng, trong việc xúc tiến giải pháp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động thích ứng linh hoạt với bối cảnh thị trường nhiều biến động", ông Huế nhấn mạnh.
Tăng cường các phiên giao dịch việc làm đến khu vực người lao động khó tiếp cận thông tin
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức. Trong các tháng đầu năm 2023, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, trong đó, lao động thôi việc, mất việc làm chiếm 54,79%.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh. Trong đó, 17.003 người bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Số lao động chưa qua đào tạo thôi việc, mất việc nhiều nhất, với tỷ lệ 68%.
Tỷ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất và số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, các bộ ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương đang công tác, ông Huế chia sẻ, tại Bắc Giang, khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn sẽ đăng ký với trung tâm dịch vụ việc làm để phân loại vị trí công việc theo các điều kiện như mức lương, chính sách, phúc lợi… và thông tin trên các kênh truyền thông chính thống.
"Chúng tôi phối hợp doanh nghiệp hẹn người lao động đến Sàn giao dịch việc làm Bắc Giang hoặc tổ chức phiên giới thiệu việc làm lưu động xuống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để người lao động được tiếp cận, phỏng vấn xin việc", ông Huế cho hay.
Là một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp có quy mô hàng đầu cả nước với số lượng công nhân lớn, Bắc Giang cũng chịu sức ép từ sự biến động của thị trường.
Để xúc tiến việc làm cho người lao động, ông Huế cho biết, tỉnh cũng tổ chức hội chợ việc làm, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với các địa bàn, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, nơi người lao động khó tiếp cận thông tin tìm việc.
"Chúng tôi tham mưu cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Giang lên kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ, đột xuất, xuống tận địa phương, khu vực mà người lao động có nhu cầu ứng tuyển. Vừa qua, Bắc Giang cũng cấp phép cho nhiều khu, cụm công nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm, giúp người lao động, doanh nghiệp kết nối tại chỗ", ông Huế chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ, tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động
Cũng theo ông Huế, với sự phát triển của công nghệ, người lao động hiện có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường việc làm hơn, nhất là người trẻ.
Kỷ nguyên số mở ra nhiều cơ hội với lao động trẻ, khi tiếp cận nhiều thông tin, kịp thời, không chỉ ở phạm vi một tỉnh, một quốc gia, mà còn ở các nước trong khu vực, những nước có nhu cầu lao động lớn. Thông qua một số công nghệ mới hiện nay như trí tuệ nhân tạo AI, chatGPT… người lao động trẻ có thể tiếp cận thông tin việc làm, nắm bắt cơ hội nhanh nhạy.
Tuy nhiên, kỷ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức. Người lao động cần chọn lọc, tìm thông tin mang tính chính thống từ các trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở địa phương để tìm kiếm việc làm phù hợp với bản thân, tránh các rủi ro khi tìm việc.
Hiện nay, người lao động có thể truy cập ngay trên điện thoại di động, ở mọi lúc mọi nơi, thông qua Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, tích hợp dữ liệu và thông tin việc làm của 63 tỉnh thành. Ngoài ra, người lao động ở phía Bắc cũng có thể vào ứng dụng di động kết nối việc làm do tỉnh Bắc Giang phát triển.
"Thời gian qua, người lao động Bắc Giang và các tỉnh khác đã tiếp cận ứng dụng này. Theo đó, họ không cần đến Bắc Giang, ở tỉnh nào cũng có thể tiếp cận thông tin thị trường lao động tại Bắc Giang. Ứng dụng xây dựng trên cơ sở nền tảng dữ liệu blockchain hiện đại, an toàn, bảo mật thông tin. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển ứng này mạnh hơn, tích hợp vào ứng dụng an sinh xã hội chung của tỉnh", ông Huế thông tin thêm.