Tăng năng suất lao động hay tăng lương: "Câu chuyện con gà - quả trứng"
(Dân trí) - “Nhiều ý kiến cho rằng nếu không bàn tới năng suất lao động khó tính tới tăng lương. Họ ví von câu chuyện con gà - quả trứng. Ở giai đoạn này, khi tiền lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu. Nhất quyết chúng ta phải giải quyết vấn đề quả trứng tiền lương có trước..”
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) chia sẻ nhận định về bất cập trong tăng năng suất lao động VN tại Hội thảo “Năng suất lao động - vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động”. Chương trình do Tổng LĐLĐ VN tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội.
Thưa ông, chia sẻ quan điểm không vui về năng suất lao động tại Việt Nam, chắc hẳn ông phải có những căn cứ cụ thể?
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của VN rất thấp. Chúng ta không cần che giấu và ai cũng biết đó là sự thấp kém. NSLĐ của VN chỉ nhỉnh hơn Campuchia, Lào và Myanma.
Nếu tính theo giá đô la quy đổi theo sức mua tương đương, mức năng suất của VN trong năm 2013 đạt 5.500 USD, cao hơn Lào là 5.400 USD, Campuchia là 4.000 USD và Myanma là 3.000 USD.
Nhưng thấp hơn Singapore: 98.000 USD, Brunay 101.000 USD, Philipin là 10.100 USD và Thái Lan đạt 14.800 USD. Mức năng suất của VN còn thấp hơn trung bình của Asean là 10.800 USD.
NSLĐ của VN tăng do nội bộ ngành chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhờ các nguồn tài nguyên giá rẻ, trong đó có giá công lao động thấp.
Nhưng trong quá trình công nghiệp hóa, lao động giá rẻ ngày càng chỉ còn là phần rơi rớt. Tiền lương sẽ dần được tăng lên và tiền lương tối thiểu sẽ tiến tới mức sống tối thiểu. Gía của lao động gia công sẽ không còn rẻ so với giá nhân công chung của thế giới.
“Là công dân VN, tôi thấy tự hổ thẹn. Vì cùng đứng trong một vòng trời đất, lại cùng làm ăn sinh sống, nhưng các nước bên cạnh năng suất lao động vượt xa chúng ta. Dù có sự khác nhau về khởi điểm, nhưng cũng phải thừa nhận sự yếu kém để từ đó vươn lên …” - ông Thọ nhấn mạnh.
Theo ông, những nguyên nhân từ đâu khiến năng suất lao động VN chưa cao ?
Nguyên nhân đến từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn và người lao động. Nhà nước chưa tạo ra được nguồn lao động có tay nghề đa dạng và trình độ cao từ các trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng và đại học.
Về doanh nghiệp, họ chưa chú trọng tới tất cả các vấn đề liên quan tới NSLĐ. Bởi, NSLĐ gồm cả hành vi, thái độ, suy nghĩ và tác động của con người đối với công việc. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa quan tâm tới suy nghĩ, tâm tư của người lao động.
Hậu quả đôi khi là người lao động phá vỡ những tiến trình bình thường, ví dụ họ kéo nhau đình công.
Về phía công đoàn, chúng tôi tự thấy việc tuyên truyền để nâng cao NSLĐ, ý thức lao động đôi khi còn chưa tới nơi, tới chốn. Công đoàn cần thuyết phục người lao động nâng cao trình độ, thêm nữa, phải trau dồi kỷ luật, kỷ cương đối xử trong doanh nghiệp, không thể đem tác phong vùng miền ra làm việc trong môi trường công nghiệp.
Phải thừa nhận nhiều lao động vẫn tâm lý địa phương: Hôm nay thích làm ở đây, mai thích làm chỗ khác thì lại bỏ.
Trong các mối tương quan trên, trách nhiệm đầu tiên được nhắc tới từ phía doanh nghiệp. Bởi nguồn lực để tính tới việc nâng cao NSLĐ là nguồn lực của doanh nghiệp.
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng LĐLĐ VN).
Vậy, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 12,4% - được Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua hôm 3/9 - có là động lực để người lao động tăng NSLĐ?
Khi lương tối thiểu chưa bằng mức sống tối thiểu, lương tối thiểu có thể xem là 1 yếu tố để tăng NSLĐ. Nhưng khi lương tối thiểu ngang bằng với mức sống tối thiểu thì không còn đóng vai trò tác động tăng NSLĐ nữa.
Trong tình hình hiện nay, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 12,4 % nếu được Chính phủ chấp thuận, chỉ tác động một phần chứ không đóng vai trò quyết định trong việc tăng NSLĐ.
Bởi mức lương này đang thấp hơn so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Số liệu của Tổng LĐLĐ VN cho thấy, mức lương tối thiểu vùng của năm 2015 đang thấp hơn mức sống tối thiểu 22 %.
Bóc tách con số 12,4 % cho thấy, chỉ có 6 % phần bù đắp cho mức sống tối thiểu. Như vậy, chúng ta còn phải thực hiện việc bù 16 % trong năm 2017 để hoàn tất khoảng cách 22 %.
Tôi dự đoán, lộ trình này sẽ không thực hiện được. Và như vậy, không thể coi mức tăng lương này là một đòn bẩy hiệu quả để tăng NSLĐ.
Ông đưa ra lo ngại về việc tăng lương tối thiểu vùng không thể bắt nhịp được với mức sống tối thiểu vào năm 2017 như lộ trình đã đề ra. Cụ thể điều này ra sao?
Theo lộ trình thống nhất tới năm 2017, mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. Điều này có nghĩa là mức tăng lương tối thiểu năm 2017 sẽ rất lớn.
Nhưng đây cũng chính là phần “nghẽn” nhất của việc tăng lương tối thiểu vùng hiện nay.
Như đã phân tích ở trên, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chỉ bù đắp được 6 % trong số 22 % độ chênh với mức sống tối thiểu. Để thực hiện lộ trình, chúng ta phải tăng thêm 16 % trong đề xuất tăng lương tối thiểu cho năm 2017.
Con số 16 % kỳ vọng này, lớn gấp hơn 2 lần so với mức đề xuất tăng 6 % của năm 2016. Đây là thách thức lớn của Hội đồng tiền lương Quốc gia nói chung, chứ không chỉ là Tổng LĐLĐ VN.
Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ VN đã tiên lượng nguy cơ mức tăng quá cao vào năm 2017. Tại lần đề xuất đầu tiên về mức lương tối thiểu vùng 2016 (tháng 7/2015), Tổng LĐLĐ VN đưa ra con số 16,8 %. Trong đó có 11 % bù đắp cho tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.
Phần bù đắp 11 % của năm 2017 sẽ được đề ra trong đề xuất của năm 2016. Việc này có tính hợp lý và đỡ gây áp lực.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh (thực hiện)