1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tăng cường giải pháp hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - Bảo hiểm thất nghiệp được xem là chỗ dựa cho người lao động trong trường hợp mất việc làm và sớm trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên theo TT DVVL TP HCM (Sở LĐ-TB&XH TP HCM) vẫn còn trường hợp người lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi cá nhân.

Theo ông Trần Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm DVVL TP Hồ Chí Minh (Sở LĐ-TB&XHXH TP HCM), đơn vị này gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động đăng ký BHTN trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cụ thể, trong trường hợp người lao động không trung thực khai báo, Trung tâm sẽ không thể xác minh được.

Tăng cường giải pháp hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 1

Ông Trần Xuân Hải giải thích thêm: “Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia BHTN của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực”.

Mặc dù Trung tâm đã phối hợp với cơ quan BHXH kiểm tra điều kiện hưởng TCTN của người lao động trước khi ban hành quyết định hưởng TCTN. Nhưng việc này cũng không giúp phát hiện được người lao động đã có việc làm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.

Trung tâm chỉ có thể phát hiện được sau khi người sử dụng lao động kế tiếp đóng BHXH cho người lao động. “Lúc đó, Trung tâm đã ban hành quyết định hưởng TCTN dẫn đến phải làm thủ tục thu hồi do không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp” - ông Trần Xuân Hải cho biết.

Ngoài ra, tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng hoặc đóng lùi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng dẫn đến thu hồi 1 hoặc 2 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đã chi nhiều hơn số tháng trợ cấp thất nghiệp được hưởng theo quy định. Nguyên nhân là việc phát hiện trễ mặc dù người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tăng cường giải pháp hiệu quả trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp - 2

“Chưa kể việc người lao động bị thu hồi tiền TCTN nhưng không nộp lại tiền TCTN đã hưởng sai quy định do cố tình, không hợp tác với Trung tâm, không có việc làm và thu nhập thấp...” - ông Trần Xuân Hải cho biết.

Nhằm phần nào khăc phục tình trạng trên, TT DVVL TP HCM đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý lao động trên phạm vi cả nước, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hôi VN chia sẻ tài khoản từ phần mềm TST.

“Mục đích nhằm dò tìm người lao động đang làm việc ở đâu để thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) khi họ có việc làm trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc phát sinh thu hồi trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tới” - ông Trần Xuân Hải cho biết.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung vào Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 88/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính nội dung: “Khi người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm DVVL để chấm dứt hưởng TCTN, trường hợp không thông báo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định”.

Năm 2018, TT DVVL TP HCM đã tiếp nhận 153.808 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; số người nộp hồ sơ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: 209 người; số người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 153.506 người; số người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp: 10.909 người…

Phan Minh