1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tâm tư của người “trong ngành” trước đề xuất quản lý dịch vụ đòi nợ thuê

Theo chia sẻ của những người làm công việc đòi nợ thuê, việc Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê để ngăn chặn biến tướng là hợp lý nhưng đừng quá cứng khiến họ thấy mình như đối tượng bị theo dõi.

Nghề thu nhập khủng

Mấy tháng nay, ông Long, chủ một công ty chuyên về xây dựng ở Hà Nội mất ăn mất ngủ vì món nợ khó đòi lên tới 500 triệu đồng. Hồi cuối năm ngoái ông nhận thầu xây dựng một số hạng mục công trình cho đơn vị tư nhân trị giá gần tỷ. Họ trả được khoảng non nửa, sau đó lỳ ra, đòi thì cứ khất mãi.

Sau ông đòi “rát” quá, cứ thấy bóng ông là nhân viên văn phòng nói giám đốc đi vắng. Có hôm ông Long rình chộp được ông giám đốc, ông ấy bèn chỉ xuống phòng tài vụ, rằng đã lệnh cho nhân viên kế toán thanh toán. Xuống phòng tài vụ thì được trả lời là chưa có tiền, hẹn... khi nào có họ sẽ gọi sang.

Thấy ngọt nhạt mãi không xong, ông Long đành tìm đến một công ty thu hồi nợ nhờ đòi tiền hộ với mức hoa hồng là 25%. “Họ nhận tiền ứng trước 25 triệu, hôm sau kéo một nhóm người sang công ty và đến tận nhà riêng ông giám đốc để nói chuyện. Ông giám đốc mặt xanh như đổ chàm và hứa sẽ trả sớm. Đúng 3 ngày sau, kế toán của họ chuyển đủ số tiền đọng nợ trong khi nếu tôi có kiện ra tòa án rồi chờ thi hành án vào cuộc thì cũng phải mất cả năm trời mới nhận đủ số tiền”, ông Luân nói.

Cũng với suy nghĩ này mà rất nhiều người khi gặp phải khoản nợ khó đòi là tìm đến những công ty có dịch vụ thu hồi nợ, mức phí thông thường từ 10-30%, có khoản nợ khó đòi tiền hoa hồng lên tới 50%.

Qua mấy tầng lớp vòng vèo nhờ các mối quan hệ quen biết giới thiệu, chúng tôi được chủ của một công ty chuyên đòi nợ thuê tại Hà Nội tiết lộ: “Thu nhập của một nhân viên thu nợ giỏi, tạm gọi là “cao thủ” đòi nợ ngoài lương cứng còn có phần trăm từ doanh số nợ thu được. Có công ty trả cho người hay nhóm trực tiếp đi thu tiền sẽ được hưởng 40% mức phí dịch vụ thu từ khách hàng.

Bảng giá của một công ty thu hồi nợ có trụ sở tại TP. HCM.
Bảng giá của một công ty thu hồi nợ có trụ sở tại TP. HCM.

Tuy nhiên để trở thành nhân viên thu nợ thuê với mức lương và doanh thu cao, yêu cầu đầu tiên là có kỹ năng đàm phán tốt, hoạt bát, biết ăn nói và nhiều kinh nghiệm…

Hay như anh Nam (37 tuổi), một người đang hành nghề đòi nợ thuê kể, để đòi nợ mà không vi phạm pháp luật phải có những “độc chiêu”. Một lần, anh Nam cũng nhận đòi nợ số tiền 80 triệu đồng của một thanh niên làm nghề kinh doanh.

Đàm phán các kiểu không có kết quả, nhóm của anh Nam cứ chờ người này đi chơi với người yêu hoặc sang gia đình người yêu chơi rồi ập vào hỏi chuyện thanh toán nợ. Sau nhiều phen hoảng hồn, mất mặt, nam thanh niên này phải viết giấy cam kết là sẽ trả nợ trong vòng một tuần và xin đừng quấy rầy nhà người yêu nữa.

Theo anh Nam, dân đòi nợ thuê dù hợp pháp hay không hợp pháp thì việc thường xuyên bị mắng chửi là điều họ thấy rất bình thường. Cho nên, thu nhập cao của nhân viên đòi nợ quả là mơ ước nhưng có rất ít người làm được.

Mỗi nhân viên có một “bí quyết” riêng để đòi nợ, thường là họ giấu tịt. Nhưng nói chung, người đòi nợ thuê cần có năng khiếu “thuyết khách” để đàm phán với khách nợ. Cần phải biết kiên trì, không ngại va chạm để thu được tiền về. Và một điều không thể thiếu là phải am hiểu pháp luật để không phạm pháp, để tránh bước qua những ranh giới mong manh có thể dẫn họ đến vòng lao lý.

Ngăn chặn biến tướng, cấu kết với “xã hội đen”

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, trong đó đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Công an được đề nghị quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì “tính chất nhạy cảm” của hoạt động này. Ảnh minh họa
Công an được đề nghị quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì “tính chất nhạy cảm” của hoạt động này. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho rằng, dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. Cụ thể, dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thậm chí một số công ty đòi nợ có hành vi “khủng bố”, nhân viên có cấu kết với các đối tượng “xã hội đen” bắt cóc, tống tiền để đòi nợ...

Do vậy, Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo chia sẻ, hiện nay ở Hà Nội xuất hiện một số công ty đăng ký kinh doanh nghề thu hồi nợ (một cách nói văn hoa của đòi nợ thuê) nhưng xem chừng cách thức đòi nợ vẫn một kiểu “bình mới rượu cũ”, nghĩa là dùng du côn đến doạ nạt.

Phần trăm “hoa hồng” chi lại cho công ty tùy độ khó dễ của vụ việc nhưng phổ biến ở mức 35-45%, nghĩa là cũng bằng với thuê "đầu gấu". Mà sự thực thì nhiều công ty cũng là do... "đầu gấu" lập ra. Đây cũng là lý do khiến những công ty hoạt động thu hồi nợ đúng nghĩa khó tồn tại.

Thậm chí có thời gian, nhóm “xã hội đen” tập hợp lại sống bằng nghề đòi nợ thuê. Ngoài việc đòi tiền bằng cách dùng vũ lực đe doạ, các đối tượng này còn có kiểu đòi: Thuê thương binh đến cơ quan con nợ, ngồi lỳ ăn vạ ở đấy, mang cả điếu cày đến hút sòng sọc, xịt bã ra sàn nhà rồi nhổ bậy lung tung. Có khách đến giao dịch với công ty, bọn họ liền đồng thanh nói rằng doanh nghiệp này đang nợ đầm đìa, sắp phá sản đến nơi. Cứ thế hàng tháng liền, không để cho con nợ làm ăn được gì.

Con nợ gọi cảnh sát 113 đến, nhưng cảnh sát đến rồi phải đi ngay vì bọn họ trình bày rằng mình không gây mất trật tự, chỉ đi đòi tiền, chả có cớ gì mà bắt họ. Vả lại họ đều là thương binh, đụng đến là lôi thôi to gây bức xúc trong dư luận.

“Chúng tôi không phản đối việc Bộ Công an quản lý nghề đòi nợ thuê. Chỉ có điều, cần phải có quy chế quản lý rõ ràng vì nếu áp dụng một cách cứng nhắc thì công việc đòi nợ thuê của chúng tôi bị coi như một đối tượng về hình sự, chứ không phải là một dịch vụ kinh doanh thuần túy nữa”, anh Nam tâm sự.

Anh Hòa, một người cùng làm nghề đòi nợ thuê cũng cho hay, chính vì rất nhiều nhóm đòi nợ thuê tự phát hành nghề phi pháp do các thành phần “xã hội đen” tự thành lập băng nhóm và làm việc theo kiểu giang hồ như đưa cho con nợ vòng hoa tang, quan tài; chất thải công nghiệp, chất hóa học tấp thẳng vào nhà; vác mã tấu xông thẳng vào nhà con nợ.... đã tạo nên một cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội về nghề đòi nợ thuê, kéo theo đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các công ty đòi nợ đúng pháp luật.

Cũng theo anh Hòa, nếu như lực lượng chức năng làm tốt công tác xử lý những khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, người dân về những khoản vay được coi là “nợ xấu” thì họ cũng không nhất thiết phải bám trụ vào cái nghề đầy rủi ro này.

Nhân viên đòi nợ thuê phải mặc đồng phục, đeo thẻ khi hành nghề

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ.

Theo đó, người lao động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ hoặc khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan.

Giải trình về lý do bổ sung quy định nêu trên, Bộ Tài chính cho biết theo báo cáo của các địa phương, thời gian qua xảy ra tình trạng DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu” để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ.

Theo Gia đình xã hội