Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 26 trường nghề cam kết tạo việc làm cho người học

(Dân trí) - “26 trường nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có cam kết: Sinh viên trường nghề ra trường trong 6 tháng, nếu nhà trường không tạo việc làm được cho sinh viên thì sẽ trả lại học phí. Ngoài ra, thí điểm 10 trường đào tạo theo địa chỉ cho khoảng 150.000 người…”


Lễ ký kết hợp tác về tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018-2020. (Ảnh: Phúc Thanh)

Lễ ký kết hợp tác về tuyên truyền giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018-2020. (Ảnh: Phúc Thanh)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ ký Ký kết hợp tác Chương trình thông tin, tuyên truyền Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018-2020 giữa Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), chiều 22/8 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ 1/1/2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức nhận trách nhiệm quản lý nhà nước hệ thống giáo dục nghề nghiệp với gần 2.000 cơ sở.

Đây là nhiệm vụ to lớn và còn nhiều thách thức đặt ra. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử: “Chúng ta mới đào tạo 56% người lao động có trình độ đào tạo, nhưng thực chất chỉ có 22% là có chứng chỉ từ sơ cấp trở lên”.


dung 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu

Ngoài ra, sự bất hợp lý còn thể hiện ở tỉ lệ nhân lực có trình độ đại học đang cao hơn rất nhiều số người làm công nhân kỹ thuật và quản lý kỹ thuật. Trong khi đó, các nước phát triển lại có tỉ lệ nhân lực theo hướng ngược lại: Công nhân kỹ thuật nhiều hơn so với cử nhân, kỹ sư.

Trong khi đó, 70 % người lao động ở nông thôn, tỉ lệ lao động công nghiệp chỉ đóng góp 16 % GDP.

“Thực tế này là một trong các nguyên nhân khiến năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp.” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Ngoài ra còn có nguyên nhân về nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đến nới đến chốn.

Qua tiếp cận thực tế nhiều nước phát triển, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Vấn đề chuộng bằng cấp đều từng xuất hiện ở nhiều nước. Nhưng thực tế nhận thức cho thấy, tỉ lệ lao động qua đại học không kiếm được việc làm nhiều. Do đó, họ tự phải quay về học nghề để có việc làm ổn định hơn.

“Muốn giáo dục nghề nghiệp phát triển, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Khi nào xã hội thay đổi nhận thức, đặc biệt là các bậc cha mẹ và học sinh có cách nhìn đúng về giáo dục nghề nghiệp thì sẽ thành công hơn” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, công tác đào tạo nghề đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, không ít phụ huynh và học sinh vẫn có tâm lý phải vào bằng được đại học, phải làm “ông này bà kia”. Điều này không còn phù hợp trong bối cảnh đất nước đang đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Muốn thay đổi nhận thức buộc phải tuyên truyền” - ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Kỷ, trên cơ sở sự hợp tác giữa 2 bên, Đài tiếng nói Việt Nam sẽ tăng cường triển khai tuyên truyền về công tác giáo dục nghề nghiệp: “Các kênh của Đài từ phát thanh đến truyền hình, báo in, báo điện tử đều sẽ tham gia tích cực vào tuyên truyền cho công tác giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi mong muốn kênh VTC2 cũng như các kênh khác của Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tuyên truyền tốt, để người dân có thể thay đổi nhận thức về việc học nghề”.

Theo nội dung ký kết hợp tác, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) hỗ trợ Tổng Cục GDNN tuyên truyền về lĩnh vực GDNN trên sóng của VTC và các kênh của VOV với các nội dung sau: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về GDNN, tuyên truyền chủ trương của Đảng về GDNN, đổi mới nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội…Bên cạnh đó, Tổng Cục GDNN giữ vai trò cung cấp các thông tin định hướng về GDNN, triển khai tuyên truyền theo yêu cầu từng giai đoạn, thông tin kịp thời về GDNN, mô hình điển hình, tiên tiến…

Hoàng Mạnh