Tạm cất bằng cử nhân, chàng trai xứ Thanh kiếm tiền tỷ từ trồng nấm

(Dân trí) - Sau khi tốt nghiệp đại học công nghiệp, chàng thanh niên Lê Đình Trúc, ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã chọn nghề trồng nấm của gia đình để phát triển sự nghiệp. Từ một người không có kinh nghiệm, anh đã làm chủ được các khâu nuôi cấy, trồng và chăm sóc nấm, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Với người dân xã Yên Thọ, huyện Như Thanh không ai là không biết đến chàng thanh Lê Đình Trúc (SN 1985) - là chủ trại nấm hơn 5.000 m2 tại địa phương này. Hiện trang trại của anh đang nuôi trồng và sản xuất nhiều loại nấm đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trang trại trồng nấm quy mô lớn của anh Trúc
Trang trại trồng nấm quy mô lớn của anh Trúc

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Tuy nhiên, với mong mỏi của gia đình, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh chọn thi vào trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã quyết định trở về quê để thay bố gánh vác việc gia đình.

Từ một sinh viên học ngành công nghiệp, trở về quê làm nông nghiệp nên thời gian đầu, anh còn bỡ ngỡ. Đặc biệt, với nghề trồng nấm anh chưa có kinh nghiệm trong việc nuôi cấy và chăm sóc. Sau gần một năm mày mò, học hỏi rồi anh cũng Trúc cũng đã dần làm quen được công việc.

Do khó khăn về vốn nên những ngày đầu bắt tay vào trồng nấm, gia đình anh chỉ đầu tư số tiền khoảng 30 - 40 triệu đồng. Không chỉ khó khăn về vốn, việc chưa nắm được hết kỹ thuật chăm sóc, thị trường đầu ra không ổn định khiến việc phát triển nghề trồng nấm của gia đình có lúc gặp rất nhiều khó khăn.

Sau nhiều năm đầu tư trồng nấm, anh Trúc cũng đã tích lũy cho mình được một số vốn nhất định nên đến năm 2016, gia đình anh quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng làm thêm nhà kính và mua thêm máy móc, thuê thêm nhân công làm việc.

Nhờ được đầu tư, mở rộng về quy mô nên trang trại trồng nấm của anh Trúc đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện trang trại của anh trồng các loại nấm như: Linh chi, mộc nhĩ, bào ngư và nấm mỡ, nấm rơm, đem lại sản lượng khoảng 3-4 tấn nấm thương phẩm với tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Tốt nghiệp đại học công nghiệp, nhưng anh Trúc lại quyết định về quê làm nông nghiệp
Tốt nghiệp đại học công nghiệp, nhưng anh Trúc lại quyết định về quê làm nông nghiệp

Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề được anh Trúc quan tâm đầu tư. Hiện nấm thương phẩm của gia đình được các thương lái ở huyện Như Thanh, thành phố Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh... đến thu mua theo hợp đồng.

Không chỉ có vậy, gia đình anh còn mở một cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh và một cửa hàng tại thành phố Hà Nội.

Anh Trúc dự kiến năm 2019 - 2020 sẽ đầu tư, mở rộng thêm khoảng 3.000m2 diện tích trồng nầm và sau khi hoàn thiện, đưa vào nuôi trồng dự tính năng suất sẽ đạt 70 - 80 tấn/năm.

Từ việc tự mày mò, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm về kỹ thuật trồng nấm, đến thời điểm hiện tại, anh Trúc đã làm chủ được các khâu nuôi cấy, trồng và chăm sóc nấm. Thời gian tới, anh sẽ trồng các loại nấm với chất lượng cao hơn.

Việc mở rộng quy mô sản xuất cần nguồn vốn đầu tư lớn, đến nay gia đình anh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để phát triển sản xuất nghề trồng nấm. Trong khi đó, theo anh Trúc, việc tiếp cận nguồn vốn vay còn nhiều khó khăn.

Anh Trúc mong muốn được hỗ trợ trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất
Anh Trúc mong muốn được hỗ trợ trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất

Anh Trúc mong muốn trong thời gian tới, các cấp, ngành có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cụ thể là giúp anh có thể tiếp cận được nguồn vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Mô hình trang trại của tôi cho thu nhập cao nhưng lợi nhuận thu lại cũng chưa được bao nhiêu vì đầu tư của mình còn lớn. Tôi mong muốn được nhà nước quan tâm, tạo điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay. Làm nông nghiệp không những khó khăn về vốn mà còn khó khăn cả về tài sản thế chấp. Chỉ có công việc thực tế của mình ngoài đồng, ngoài ruộng, tiền đầu tư của mình cả tỷ đồng rồi, nhưng việc vay vốn rất khó khăn”, anh Trúc chia sẻ.

Ngoài nghề trồng nấm, gia đình anh còn đầu tư máy móc làm dịch vụ nông nghiệp tại địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, hàng năm anh Trúc còn tham gia và hỗ trợ một phần kinh phí cho nhiều hoạt động văn hóa, đoàn thể tại địa phương.

Duy Tuyên