Đắk Nông:
Tài xế xe ôm chật vật vì Covid-19, ngày kiếm không được một bữa cơm
(Dân trí) - Từ nhiều tháng nay, lượng khách đi lại ở Đắk Nông giảm do dịch Covid-19. Vì vậy, dù bán đường cả ngày, nhiều tài xế xe ôm, xe ba gác, taxi vẫn không kiếm đủ thu nhập cho bữa cơm trong ngày.
"Làm cả ngày được … 20.000 đồng"
Ông Nguyễn Thế Lý (71 tuổi, tạm trú phường Nghĩa Trung) làm nghề lái xe ôm tại TP Gia Nghĩa, Đắk Nông được gần 10 năm nay. Từng trải qua thời kỳ "hoàng kim" trong nghề, thế nhưng từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Thế Lý rơi vào cảnh "cầm cự" do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lượng khách đi xe ôm sụt giảm.
Những năm trước, tỉnh Đắk Nông có rất ít xe taxi, lại không có xe ôm công nghệ nên nghề chạy xe ôm truyền thống mang lại thu nhập kha khá mỗi ngày. Thời điểm đó, khách đi xe ôm nhiều nên có ngày ông Nguyễn Thế Lý làm không hết việc. Thậm chí, cánh xe ôm còn từ chối vận chuyển khách nếu điểm đến quá xa.
Từ đầu năm đến nay, nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại từ đầu tháng 5, công việc của ông Lý chật vật hơn. Mỗi ngày kiếm được 50.000 đồng cũng khó. Thậm chí, có ngày chạy xe, ông Nguyễn Thế Lý không kiếm đủ… 20.000 đồng, không đủ mua một hộp cơm qua bữa.
"So với năm ngoái, thu nhập của tôi giảm đi rất nhiều. Tiền đi làm không đủ tiền ăn cơm. Có hôm tôi phải dùng tiền tiết kiệm để đổ xăng, ăn uống, đóng tiền nhà trọ", ông Nguyễn Thế Lý cho hay.
Ông Tô Xuân Sự (46 tuổi, ở phường Nghĩa Đức) làm nghề chạy xe ba gác xung quanh TP Gia Nghĩa cũng vất vả kiếm sống trong mùa dịch này. Nhiều người cho rằng dịch Covid-19 ít ảnh hưởng tới công việc của ông Tô Xuân Sự. Nhưng thực tế người làm nghề như ông mới nhận thấy rõ nhất sự tác động của dịch.
Thường ngày, ông Tô Xuân Sự được thuê chở đồ đạc, chuyển đồ, chuyển nhà. Thế nhưng từ khi có dịch, việc xây sửa của người dân cũng hạn chế. Kinh tế khó khăn, người dân cũng ít mua sắm hơn, thành ra xe ba gác cũng chỉ "xếp một góc".
"Ngày trước có khi tôi chỉ chạy một cuốc là đủ chi tiêu cả ngày. Bây giờ thu nhập của tôi chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày. Hàng ngày tôi để xe một góc đường, để luôn số điện thoại ở đó, còn mình chạy về làm việc nhà. Khách có nhu cầu thì gọi chứ tôi không túc trực ở đó nữa", ông Tô Xuân Sự nói.
Thu nhập sụt giảm gần 80%
Anh Nguyễn Thế Hưng- một tài xế hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cho biết, thu nhập từ đầu năm tới nay của anh giảm đến 80%.
Đầu năm nay, anh Nguyễn Thế Hưng vay ngân hàng 280 triệu đồng để mua xe sau đó xin hợp tác với hãng taxi để chạy. Hàng tháng, ngoài 10 triệu tiền lãi và gốc ngân hàng, anh còn đóng cho hãng taxi khoảng 1,8 triệu đồng tiền phí hoạt động.
Thế nhưng, một tháng nay, thu nhập từ chạy xe taxi không ổn định. Cực chẳng đã, đầu tháng 7 này, anh Nguyễn Thế Hưng phải xin ngừng hợp tác kinh doanh để đi làm công việc khác kiếm sống.
"Mỗi tháng tôi phải bỏ ra khoảng 12 triệu đồng để trả ngân hàng và nộp phí, nhưng thu nhập từ chạy xe taxi mỗi ngày chỉ khoảng 200.000 đồng. Tôi để xe ô tô ở nhà, nếu ai có nhu cầu đi thì mình chở, còn phần lớn thời gian đi làm nghề sửa điện, nước", anh Nguyễn Thế Hưng cho hay.
Ông Lê Văn Việt, đại diện một hãng taxi tại Đắk Nông thông tin thêm, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của đơn vị này giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh nghiệp có gần 160 đầu xe, nhưng do tình hình dịch bệnh, có khoảng 15% xe thanh lý, ngừng hợp tác kinh doanh; 35% xe xin tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
"Nhiều tài xế đã ký hợp đồng lao động nhưng chưa đủ thời gian để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên cuộc sống rất cơ cực, chật vật, phải làm nhiều nghề để chờ ngày hết dịch", ông Lê Văn Việt cho hay.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phải cắt giảm, sắp xếp cho người lao động nghỉ việc không lương để tiết giảm chi phí. Trong 6 tháng đầu năm, lương bình quân của người lao động giảm 12%/người/tháng.
"Trước mắt, công ty cam kết đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì rất khó để duy trì sự hỗ trợ, đồng hành như hiện nay", ông Lê Văn Việt nói.
Thống kê, rà soát lao động tự do bị ảnh hưởng
Ngày 8/7, Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông đã có văn bản gửi các sở, ngành và UBND huyện, thành phố về việc thống kê, đề xuất đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động phổ thông) bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Căn cứ tình hình thực tiễn, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố đề xuất đối tượng, mức tiền hỗ trợ cho nhóm lao động phổ thông này trước ngày 20/7 để tổng hợp, trình UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt theo quy định.