Tại sao tuổi hưu ở Việt Nam ngày càng thấp?

(Dân trí) - Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN - cho biết, tuổi nghỉ hưu ở VN đang thấp hơn với quy định. Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,5 tuổi. Số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ trên 50%.


Hiện nay, trung bình tuổi thọ của người VN là 73 tuổi.

Hiện nay, trung bình tuổi thọ của người VN là 73 tuổi.

Theo BHXH VN, quy định tuổi nghỉ hưu của VN hiện nay là 60 đối với nam, 55 đối với nữ. Quy định độ tuổi này duy trì từ lâu với các thông số tương ứng: Trung bình tuổi thọ của người VN là 67, tuổi nghỉ hưu là 54 với 13 năm hưởng lương hưu.

Tới nay, tuổi thọ bình quân của người VN đã tăng lên 73. Tuổi thọ tăng tất yếu kéo dài tuổi hưởng lương hưu lên khoảng 20 năm (tăng thêm 7 năm). Trong khi đó, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu vẫn được giữ nguyên.

"Đây là điều khiến quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối sớm" - ông Trần Đình Liệu nói.

Theo BHXH VN, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm, nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi số người hưởng BHXH một lần hàng năm lớn dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được.

Theo BHXH VN, nguyên nhân của tình trạng tuổi nghỉ hưu thấp còn do: Luật BHXH năm 2006 quy định tỉ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thấp, chỉ 1%, sang Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh nâng lên 2%.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỉ lệ giảm trừ này phải từ 5 đến 6% thì mới hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi.

Đồng thời, quy định giảm tuổi nghỉ hưu trong chính sách tinh giản biên chế, giải quyết đối với lao động dôi dư,... và các nhóm đối tượng khác trong Luật BHXH cũng chưa thực sự hợp lý làm cho tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế thấp hơn nhiều so với quy định (đối tượng này thường giảm từ 1 đến 5 tuổi).

Bên cạnh đó, BHXH VN cũng cảnh báo tình trạng mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí.

“Nguyên nhân chính do tỉ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH). Tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%)” - ông Trần Đình Liệu nói.

Ngoài ra, quy định điều kiện hưởng BHXH một lần quá thuận lợi và mức hưởng tăng lên so với quy định cũ (những năm đóng từ năm 2014 trở đi được tăng từ 1,5 tháng lên 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) cũng khiến gia tăng nguy cơ mất cân đối.

“Quan điểm của BHXH Việt Nam về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Thực chất vấn đề ở đây là đưa chế độ hưu trở về bản chất - chế độ bảo hiểm tuổi già. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Có thể, việc cân đối quỹ BHXH không phải để chúng ta mà để con cháu chúng ta hưởng” – ông Trần Đình Liệu nói.

Hoàng Mạnh