Tại sao nhân viên ghét “nhân sự”?

Nhân sự ngày càng có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, nhưng bộ phận này lại thường không nhận được cảm tình của các đồng nghiệp. Tại sao?

Tại sao nhân viên ghét “nhân sự”?


Trong kinh doanh ngày nay, nhân lực luôn đóng vai trò quyết định đối với doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết đội ngũ nhân viên đang được đề cao. Tư tưởng “nhân viên là ưu tiên số 1”, “khách hàng chưa phải là thượng đế mà nhân viên mới là thượng đế” hay “đặt nhân viên lên hàng đầu để khách hàng thực sự là thượng đế” đang dần phổ biến. Vì thế, hầu hết các tổ chức luôn có một phòng/ban chuyên trách về quản lý nguồn nhân lực gọi là phòng nhân sự.

Thế nhưng, trong một lần phỏng vấn tuyển trưởng phòng nhân sự của một công ty, một ứng viên đã chia sẻ lý do rời công ty cũ là công việc ở đó không an toàn và quá căng thẳng. Với vị trí trưởng phòng nhân sự, chị phải đối mặt với sự đe dọa của các công nhân đã được cho thôi việc. Để đảm bảo an toàn cho chị, ban giám đốc luôn cho bảo vệ hộ tống đón và đưa chị đi làm. Còn các công nhân đang làm việc thì luôn ngại làm việc với phòng của chị.

Thực tế, chuyện nhân viên phàn nàn, e ngại đến sợ, rồi ghét, thậm chí là căm thù phòng nhân sự, đặc biệt là trưởng phòng nhân sự, không phải là chuyện hiếm.

Đi tìm nguyên nhân

Với chức năng của mình, người làm nhân sự luôn là người truyền đạt mọi quyết định của lãnh đạo liên quan đến nhân viên, dù quyết định đó tốt hay xấu. Nhân viên lại thường nghĩ ngay đấy là “sản phẩm” của phòng nhân sự. Quyết định tốt thì không nói làm gì, chứ đối với những quyết định xấu thì người làm nhân sự luôn phải hứng chịu sự phản ứng bất bình, tức giận của nhân viên. Nhân sự cũng là bộ phận đứng ra giải quyết các trường hợp vi phạm của nhân viên. Thế nên, không ai lại không ghét người trừng phạt mình. Không có biên bản kỷ luật nào mà không có sự có mặt của bộ phận này.

Nhiều khi người làm công tác nhân sự thiên vị về phía công ty và tôn trọng cấp trên hơn là đối với nhân viên. Theo nhiều nhân viên, đây là lý do chính mà họ ghét người làm nhân sự, dẫn đến đấu tranh và vô hình trung biến người làm nhân sự thành kẻ thù của họ.

Nhân viên đôi khi ghét nhân sự do họ chậm xử lý các công việc liên quan đến nhân viên, đề ra các chuẩn mực trong công việc mà nhân viên chưa đạt tới và không đưa ra được giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề như chậm thanh toán lương thưởng, bảo hiểm... Thực tế, công việc của bộ phận nhân sự va chạm nhiều với nhân viên. Do đó, không ít nhân viên nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì họ đang bị trả thù.

Và họ dễ dàng truyền cho nhau những bức xúc về nhân sự để rồi biến chúng thành những thành kiến chia rẽ bộ phận nhân sự với nhân viên.

Để chuyển ghét thành yêu

Sự thật là không phải nhân sự ở mọi doanh nghiệp đều bị nhân viên ghét bỏ. Theo quan sát của người viết bài này, những nơi nhân viên yêu quý, tin cậy bộ phận nhân sự là nơi mà bộ phận này đã thực hiện tốt các công việc sau:

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ:


1. Đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ: Đây là công việc rất quan trọng của bộ phận nhân sự. Thông thường, nhân viên ghét nhân sự vì họ hiểu nhầm hoặc thiếu thông tin. Truyền thông nội bộ không chỉ làm họ tâm phục khẩu phục những quyết định của công ty mà còn làm thay đổi nhận thức của nhân viên về nhân sự. Từ đó, bộ phận nhân sự sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân viên trong công việc của mình.

2. Công khai và bình đẳng trong đối xử: Người làm nhân sự cần dựa trên các quy trình nhân sự, nội quy công ty được phê duyệt, nhất quán trong nhìn nhận các vấn đề, đặc biệt các vấn đề có liên quan đến lợi ích của người lao động. Đối với các tranh chấp, người làm nhân sự không nên thiên vị bên nào và phải dựa vào những quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của nhân viên trước ban lãnh đạo và bảo vệ quyền lợi công ty trước nhân viên.

3. Tạo ra chuẩn mực:
Người làm nhân sự phải đi đầu trong việc tuân thủ các quy định của công ty. Còn trong công việc của mình, phải thực hiện đúng kế hoạch, các chương trình đào tạo cũng phải thiết thực, kịp thời và nội dung đánh giá kết quả công việc phải phản ảnh đúng nỗ lực của nhân viên.

4. Luôn lắng nghe nhân viên: Người làm nhân sự phải chủ động trong việc tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Lắng nghe và đưa ra các giải pháp thực hiện, đặc biệt lưu ý thực hiện đúng những gì đã cam kết. Trong nhiều trường hợp, nhân sự phải đứng ra đốc thúc lãnh đạo công ty giải quyết vấn đề của nhân viên.

Ngoài ra, bộ phận nhân sự cũng cần sự hỗ trợ rất lớn từ cấp quản lý của công ty, cho phép bộ phận này tham gia nhiều hơn các hoạt động chiến lược của công ty, thay vì chỉ xem nhân sự như là bộ phận giúp việc đơn thuần. Với chuyên môn của mình, bộ phận này sẽ hoạch định nguồn nhân lực tốt hơn cho công ty, cũng như cung cấp và thực thi một số kế hoạch phát triển sự nghiệp của từng nhân viên, gắn kết được kế hoạch phát triển của mỗi cá nhân với chiến lược phát triển công ty.

Nhân sự là một trụ cột quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng trụ cột này sẽ không đứng vững nếu không có sự ủng hộ của nhân viên. Do vậy, nhân sự bắt buộc phải nâng cao năng lực của mình, dần xác định vị thế quan trọng trong doanh nghiệp cũng như đối với nhân viên.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm