Sự nghiệp 12 năm gây dựng tiêu tan, chục nghìn tỷ đô la thành mây khói
"Chúng tôi đã mất 12 năm để xây dựng Airbnb và mất gần như tất cả mọi thứ chỉ trong 4 đến 6 tuần", Brian Chesky, CEO của Airbnb, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC.
"Chúng tôi đã mất 12 năm để xây dựng Airbnb và mất gần như tất cả mọi thứ chỉ trong 4 đến 6 tuần", Brian Chesky, CEO của Airbnb, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC.
Ông Brian Chesky cho biết, Airbnb dự định lên sàn trong năm nay nhưng mọi thứ đã “tan thành mây khói”. Airbnb đang đứng trước một tương lai bất ổn do những lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới.
“Ngành du lịch đang thay đổi. Tôi không muốn nói rằng hành trình đã kết thúc, nhưng đúng hơn là mô hình mà chúng ta biết đã chết và sẽ không quay trở lại. Giờ đây, điều mà mọi người lựa chọn thường là lên ôtô, lái xe vài km đến một cộng đồng nhỏ và ở trong một ngôi nhà", vị CEO này nói.
Không ngạc nhiên khi các startup chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nằm trong lĩnh vực du lịch và di chuyển. Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, Airbnb thông báo đã lỗ hàng trăm triệu USD, dự kiến doanh thu năm nay sẽ thấp hơn một nửa so với năm 2019.
Airbnb: 12 năm gây dựng gần như tiêu tan trong vài tuần |
Hồi tháng 5, CNN đưa tin kỳ lân công nghệ Airbnb buộc phải cho nghỉ 25% lao động, gần 1.900/ 7.500 nhân viên trên toàn cầu như một phần nỗ lực để đối phó với đại dịch trước mức độ ảnh hưởng tồi tệ đến ngành du lịch toàn cầu nói chung và đe dọa đến mảng kinh doanh cốt lõi của công ty nói riêng.
“Tôi yêu mến tất cả các bạn. Tôi rất xin lỗi về điều này. Đây không phải lỗi của các bạn. Thế giới sẽ không ngừng tìm kiếm phẩm chất và tài năng mà các bạn mang đến Airbnb”, Chesky viết trong thư gửi nhân viên.
Nguồn thu gần như bằng 0. Airbnb đang nỗ lực cắt giảm chi phí và đã phải huy động tài chính 2 tỷ USD trong tháng 4/2020, trong đó có khoản vay 1 tỷ USD (khoảng trên 23.000 tỷ đồng) từ các tổ chức đầu tư với lãi suất cao để chống chọi trước khủng hoảng.
Startup này được thành lập vào năm 2008 và đến nay huy động được tổng cộng 4,4 tỷ USD vốn đầu tư. Thống kê gần đây nhất cho thấy, công ty hiện có hơn 2 triệu chỗ nghỉ tại hơn 190 quốc gia và 34.000 thành phố trên khắp thế giới. Ước tính, các chủ nhà đã đón tiếp hơn 40 triệu lượt khách.
Với mức định giá 31 tỷ USD, Airbnb đã trở thành một trong những startup kỳ lân nổi bật của thị trường chia sẻ nhà ở. Cùng với thành công của công ty, các nhà đồng sáng lập đều trở thành tỷ phú.
Uber cũng lao đao
Giống như các tên tuổi lớn khác, Uber đang chật vật để kinh doanh. Theo ước tính gần đây, số nhân viên hỗ trợ khách hàng và các nhóm tuyển dụng bị sa thải chiếm khoảng 15% tổng lực lượng lao động của công ty này.
Uber dự kiến sẽ chi khoảng 2 triệu USD cho việc chấm dứt công việc và các vấn đề liên quan. Ngoài việc cắt giảm nhân sự, Giám đốc điều hành (CEO) của Uber là Dara Khosrowshahi cũng sẽ không nhận lương cơ bản cho phần còn lại của năm 2020.
Uber thua lỗ liên tục |
Vào tháng trước, các giám đốc điều hành của Uber từng thảo luận về kế hoạch sa thải khoảng 20% nhân viên. Tuy nhiên, Uber cũng đang theo đuổi các cơ hội đầu tư mới bất chấp tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, bao gồm khoản đầu tư trị giá 170 triệu USD vào công ty xe điện Lime.
Ra đời năm 2009, ứng dụng chia sẻ xe Uber đã tạo ra một cuộc cách mạng giao thông. Công ty này được định giá 8,1 tỷ USD khi IPO vào năm ngoái. Tuy nhiên, Uber chưa bao giờ có lãi dù có tới 91 triệu người dùng, theo Reuters.
Trong quý I/2020, dịch vụ đặt xe đã tăng trưởng hơn 8%, cho dù lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong những tuần cuối quý vừa qua. Doanh thu của Uber cũng đã tăng 14% lên 3,5 tỷ USD trong quý I/2020. Tuy vậy, Uber vẫn lỗ ròng 2,9 tỷ USD trong quý trước, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong hồ sơ IPO, Uber cũng dự báo chi phí hoạt động của công ty “sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần”. Năm 2018, công ty này báo lỗ hơn 3 tỷ USD.
Trong khi đó, Uber tiếp tục gặp khó với các đối thủ lớn. Tại hơn 700 thành phố mà Uber đang có mặt trên toàn thế giới, hãng này phải cạnh tranh với những đối thủ địa phương như Ola ở Ấn Độ hay Didi Chuxing ở Trung Quốc. Việc nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường thường đồng nghĩa với việc phải giảm giá các cuốc xe.
Từ câu chuyện Airbnd, hay Uber cho thấy, đại dịch đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế chia sẻ. Nếu dịch bệnh trên toàn cầu chưa thể kiểm soát, sự sụp đổ của những kỳ lân là chuyện có thể xảy ra.
Theo Bảo An
Vietnamnet.vn