“Sốt” lao động ngành công nghệ thông tin
Chưa bao giờ các công ty phần mềm tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức cho chuyện tìm người như ở thời điểm hiện nay. Chỉ cần dạo quanh một vài “đại gia” trong làng gia công phần mềm mới thấy nhu cầu lao động cho ngành này đang nóng sốt đến mức nào.
Nhu cầu tăng từng ngày
Ông Ngô Hùng Phương - Tổng giám đốc PSV, một trong những doanh nghiệp lớn về gia công phần mềm - cho biết “chưa bao giờ việc tuyển lập trình viên trở nên căng thẳng như nhiều tháng qua”. Cụ thể hơn: việc tuyển người nơi đây không còn tổ chức theo từng đợt khi có nhu cầu như trước đây nữa mà đã trở thành công việc hằng ngày của công ty. Từ nay đến cuối năm PSV cần hàng trăm lập trình viên...
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn TMA, một trong những doanh nghiệp gia công phần mềm qui mô lớn nhất hiện nay - minh chứng sự khởi sắc của thị trường gia công phần mềm bằng biểu đồ gia tăng nhân sự. Giữa năm 2004, TMA sở hữu 300 lập trình viên thì đến cuối năm con số này là 400. Đến tháng 3/2005, TMA đã có 500 lập trình viên và dự kiến đến cuối năm nay con số này sẽ là 700.
Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội Tin học TPHCM - cung cấp thêm: có công ty đặt mục tiêu trong năm nay sẽ đạt 1.000 lập trình viên. Trong khi đó, theo một khảo sát tại hơn 123 công ty công nghệ thông tin (CNTT) do Sở Khoa học và Công nghệ Tp.HCM thực hiện năm 2004, nhu cầu nhân lực tại các công ty này trong sáu tháng cuối năm 2005 khoảng hơn 1.000 người.
Lao động ngành CNTT: có giá!
Giải thích vì sao nhu cầu nhân lực tăng cao, giới doanh nghiệp phần mềm cho biết do thị trường phần mềm thế giới hồi sinh, trong khi đó ở các nước phát triển chi phí lao động cho ngành này hiện đã quá cao nên nhiều hợp đồng gia công phần mềm lớn chảy về Việt Nam.
Mặt khác, hiện nhiều công ty Nhật nhảy vào thị trường Việt Nam tuyển người ngành CNTT ồ ạt, có nơi tuyển cùng lúc hàng trăm người với mức lương khởi điểm hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Hiện các công ty phần mềm đang tranh nhau lấy cho bằng được số sinh viên ngành CNTT nằm trong top 20 của các trường như ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TPHCM.
Ông Chu Tiến Dũng - Giám đốc Công ty phát triển công viên phần mềm Quang Trung - cho biết thị trường lao động ngành CNTT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Ông kể: “Có nhà đầu tư đến đây yêu cầu cần 50 chuyên viên đồ họa, nhưng chúng tôi hỏi khắp nơi mà không cách nào có được”.
Ông Hà Thân - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt - cho biết nhiều hợp đồng của các đối tác đưa đến đòi hỏi phải có từ 100 lập trình viên trở lên là... đau đầu.
Ở góc độ người được tuyển dụng, đây là một cơ hội lớn. Mức lương khởi điểm cho lập trình viên - là sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm - trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/tháng; có lập trình viên “hạt giống” được trả đến 8 triệu đồng/tháng.
Còn các vị trí khác như trưởng nhóm lập trình có thể nhận được mức lương 8-12 triệu đồng/tháng, quản lý dự án phần mềm lương 10-15 triệu đồng/tháng... Ông Ngô Hùng Phương cho biết mức lương khởi điểm cho lập trình viên chưa có kinh nghiệm tăng 30-40% so với trước.
Nhưng vẫn “đãi cát tìm vàng”!
Tuy nhiên, bài toán lao động chất lượng cao hiện vẫn là câu chuyện đau đầu đối với các công ty phần mềm. Giới doanh nghiệp phần mềm cho biết hồ sơ nộp vào rất nhiều nhưng tuyển được chẳng là bao.
Đặc biệt, đối với các công ty gia công phần mềm xuất khẩu - nơi có nhu cầu tuyển lập trình viên lớn nhất hiện nay - càng khó khăn hơn gấp nhiều lần vì yêu cầu tuyển dụng khắt khe. Đó là chưa kể đến yêu cầu ngoại ngữ, nhất là với các hợp đồng cho các công ty Nhật Bản (số lập trình viên chuyên nghiệp thông thạo tiếng Nhật vốn hiếm hoi).
Ông Nguyễn Hữu Lệ cho biết nếu “căng” theo đúng chuẩn tỉ lệ tuyển được chỉ đạt khoảng 10-15% số hồ sơ nộp vào TMA. Nhưng vì nhu cầu tuyển người lớn nên chấp nhận hạ chuẩn, tuyển thêm một số (khoảng 5-10%) và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thêm cho số này là có thể sử dụng được...
Con số 75-85% còn lại, theo ông Lệ, rất khó đáp ứng yêu cầu của các dự án phần mềm quốc tế. Số này chỉ có thể làm các công việc CNTT đơn giản, làm nghề khác hoặc chịu... thất nghiệp.
Còn về tiêu chuẩn, ông Lệ cho biết bắt buộc phải có bằng đại học chuyên ngành CNTT (75%), viễn thông (25%) và chỉ một số rất nhỏ có bằng cao đẳng hoặc các khóa đào tạo nghề CNTT (5%). Ông Ngô Hùng Phương cũng cho biết gần đây PSV buộc phải hạ chuẩn tuyển dụng nhưng tỉ lệ tuyển được chỉ đạt 10-12% số hồ sơ nộp vào...
Theo Tuổi Trẻ