Sởn gai ốc cảnh khai thác loại hải sản xanh ngọc lạ mắt dưới đáy tàu
(Dân trí) - Vẹm xanh sinh trưởng tự nhiên. Chúng thường bám cố định vào gạch, đá ở nơi nước sâu. Nhưng cảnh khai thác vẹm dưới đáy tàu lại khiến không ít người sởn gai ốc.
Theo những người chuyên thu hoạch vẹm xanh ở ven biển Hải Hậu (Nam Định), loại hải sản này không khai thác được thường xuyên. Do vẹm sống tự nhiên nên một năm chỉ có 2-3 đợt thu hoạch được, mỗi đợt kéo dài 5-7 ngày.
Cách khai thác vẹm xanh là... thuận theo thủy triều. Người dân thường chọn những điểm đá xa bờ, nước ngập. Trước khi thủy triều rút sẽ có 1-2 tiếng để khai thác vẹm bám vào đá. Trong khoảng thời gian đó, trung bình mỗi người dân có thể khai thác 20-30 kg vẹm xanh.
Các thương lái sẽ thu mua vẹm trực tiếp với giá 40.000-50.000 nghìn đồng/kg nhưng khi đến tay người tiêu dùng ở thành phố, loại hải sản tự nhiên này cũng tới 100.000-250.000 đồng/kg, tùy kích thước và chất lượng.
Vừa qua, anh Lê Thao, một thuyền viên trên tàu du lịch tại Quảng Ninh đã chia sẻ hình ảnh khai thác vẹm xanh khá thú vị. Thay vì chờ thủy triều lên, anh Thao thu hoạch vẹm xanh ngay dưới đáy tàu.
Con tàu trong video anh Thao chia sẻ đang được đưa lên bờ để kiểm tra định kì. Điều bất ngờ nằm ở dưới đáy tàu, có vô vàn con vẹm xanh bám chặt phía dưới.
Theo ước tính của anh Thao, lượng vẹm xanh bám vào tàu lên tới cả tấn, do diện tích bề mặt đáy tàu rất lớn.
Không riêng tàu của anh Thao, rất nhiều người xem clip đã bình luận, tàu du lịch ở Quảng Ninh sau nhiều tháng nghỉ dịch xuất hiện rất nhiều vẹm xanh. Thậm chí, một số vùng biển ở đây, chỉ cần lặn xuống nước là thấy xanh ngợp cả con tàu. Tuy vậy, hình ảnh này cũng khiến không ít người xem nổi da gà khi thấy khắp bề mặt đáy tàu nổi u nổi cục.
Trên thế giới, vẹm xanh phân bố ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương và được nuôi nhiều tại Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Tại Việt nam, vẹm xanh là loại hải sản được đánh bắt nhiều ở vùng biển miền Trung.
Trong video, việc khai thác vẹm xanh rất đơn giản, chỉ cần dùng tay dỡ vẹm ra khỏi thân tàu. Song, theo anh Thao, muốn làm sạch vẹm bám ở đáy tàu như vậy trong 1 ngày, phải cần tới hàng chục người cùng thu hoạch.
Nguyên nhân khiến đáy tàu có hàng chục ngàn con vẹm sinh sống như vậy theo anh Thao là vì, tàu du lịch 5 tháng không hoạt động nên vẹm có môi trường phát triển. "Tàu chạy liên tục thì sẽ không có, hoặc có rất ít vẹm", anh Thao trả lời.
Người chủ tàu cũng thông tin thêm, dù khai thác được số lượng lớn, nhưng toàn bộ số vẹm xanh còn sống anh không bán mà chia cho công nhân, thuyền viên.
Những hình ảnh độc đáo trên không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp. Sau khi xem video của anh Thao, nhiều người còn nảy ra ý tưởng nuôi vẹm xanh để kinh doanh tại vùng biển Quảng Ninh. Bởi giá trị của vẹm xanh cao hơn nhiều hải sản cùng loại khác.
Ngoài vẹm xanh, con hà cũng thường xuyên bám dưới thân tàu. Các loại hải sản này có mùi vị thơm ngon khi nướng mỡ hành hoặc hấp. Tuy nhiên, theo những người chuyên đi biển chia sẻ, nếu tàu đỗ ở cảng hoặc chỗ nước tù thì không nên ăn do khu vực này nước không sạch, có dầu máy nên vẹm dễ bị hôi.
Theo anh Long, một người chuyên vệ sinh đáy tàu, tàu du lịch đậu ở Bãi Cháy, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát xuất hiện rất nhiều vẹm xanh. Anh chỉ cần lặn xuống là có thể khai thác. Do số lượng khai thác được quá nhiều nên anh Long chỉ mang về một lượng nhỏ. Phần lớn vẹm xanh và số hà còn lại anh đều bỏ đi.