Sóc Trăng: Nghề hầm than thu nhập cao nhưng ...nguy cơ ô nhiễm lớn
(Dân trí) - Được hình thành cách đây hơn 50 năm, làng nghề hầm than ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) không chỉ cho người dân địa phương khấm khá mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, nghề cũng khiến môi trường bị ô nhiễm bởi bụi than.
Ông Lưu Quốc Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa - cho biết: Xã là địa phương duy nhất của tỉnh Sóc Trăng có nghề hầm than với trên 900 lò. Với các gia đình làm nghề hầm than, đây là nguồn thu nhập chính. Nhiều gia đình chủ lò đã trở nên khá giả từ nghề này.
Không những thế, nghề hầm than còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông ở địa phương.
Theo ông Thanh, thu nhập từ nghề này rất cao, bình quân một năm mỗi lò hầm than sau khi trừ hết chi phí còn lãi từ 70 triệu đồng. Vào chính vụ, thu nhập của người làm công cho chủ lò cũng từ 300.000 đồng - 400.000 đồng/ngày.
Ông Huỳnh Văn Chi (43 tuổi, ngụ ấp Hòa Lộc 2) cho biết: “Tôi theo nghề hầm than đã 10 năm nay. Hiện tại tôi có 2 lò, mỗi lò có sức chứa khoảng 50 tấn củi tươi, sau khi hầm xong, cho ra lò từ 12-13 tấn than thành phẩm. Sau khi trừ chi phí, còn lãi được từ 12 triệu đồng mỗi lò.
Mỗi năm, hầm than hoạt động từ 6-7 đợt. Sản phẩm than của chúng tôi hiện nay không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất sang nước ngoài. Nghề hầm than ổn định, cho thu nhập cao hơn so với làm lúa hay trồng cây ăn trái”.
Qua thống kê của địa phương, làng nghề hầm than xã Xuân Hòa đến nay đã có 430 hộ, với gần 939 lò than. Mỗi năm cho ra thị trường 46.000 tấn than, doanh thu đạt khoảng 190 tỉ đồng. Làng nghề hầm than Xuân Hòa cũng đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là làng nghề truyền thống từ cuối tháng 2/2008.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được nói trên thì làng nghề hầm than truyền thống Xuân Hòa cũng đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường do khói, bụi từ các lò hầm than thải ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống cũng như sản xuất của người dân.
Theo phản ánh của người dân, hàng ngày, khói bụi từ các lò hầm than tỏa ra mù mịt cả vùng, hủy hoại rau màu, cây xanh trong vườn. Hậu quả khiến không ít vườn cây ăn trái của người dân bị tàn phá, gây thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ha cây trồng.
Khói bụi từ lò hầm than còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân trong ấp.
Ông Nguyễn Văn Út (ngụ ấp Hòa Lộc 2) cho biết: “Gia đình tôi có 5 công vườn trồng bưởi nhưng vì bụi than bám vào nên tỉ lệ đậu trái không cao, bông nhanh tàn. Nếu cây nào đậu trái thì trái cũng không phát triển tốt, kém chất lượng nên thương lái không mua hoặc mua với giá rẻ. Chi phí đầu tư cao nhưng sản phẩm không năng suất, chất lượng kém khiến nhà vườn lỗ vốn, thậm chí sạt nghiệp”.
Không chỉ vậy, khói bụi từ các lò hầm than ở Xuân Hòa cũng là nguyên nhân làm nhiều thợ lò, người già và trẻ em ở đây bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản,...
Phó Chủ tịch xã Lưu Quốc Thanh cho biết: “Tình trạng ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi vì khói bụi than thoát ra ngoài. Tuy nhiên, chủ yếu ở khu vực tập trung nhiều lò hầm than chứ các nơi khác vẫn ổn, bà con trồng trọt vẫn tốt. Tại nơi có nhiều lò hầm than, bà con trồng sầu riêng cho hiệu quả vì loại cây ăn trái này thích ứng với điều kiện của khu vực lò hầm than. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên, địa phương đã có báo cáo với cấp trên và ngành chức năng để tìm biện pháp khắc phục đến nay vẫn chưa có giải pháp phù hợp”.
Theo ông Thanh, trong các biện pháp có việc nghiên cứu tìm hệ thống xử lý khí thải từ lò hầm than phù hợp với quy mô hộ gia đình. Song, chi phí cho một hệ thống xử lý khí thải còn khá đắt so với thu nhập từ lò hầm than mang lại nên người dân chưa ủng hộ.
Hiện nay, chỉ có hộ ông Nguyễn Văn Triển (ở ấp Hòa Thạnh) đang áp dụng mô hình xử lý khí thải lò hầm than bằng phương pháp phun sương cho hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Triển cho biết, hệ thống này thu gom khí thải tốt, không cần quạt hút khói, vừa giảm được chi phí vận hành vừa không ảnh hưởng đến chất lượng của than, đáp ứng được yêu cầu của người hầm than. Kinh phí cho mỗi hệ thống khoảng 22 triệu đồng.
Được biết, trước tình trạng ô nhiễm môi trường đó, mấy năm trước, tỉnh Sóc Trăng đã có kế hoạch quy hoạch tập trung các lò hầm than vào một vùng và áp dụng mô hình xử lý khói bụi. Nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai vì chưa có kinh phí và người dân không đồng ý với việc di dời này.
Ông Huỳnh Văn Chi (một hộ dân) giải thích: “Gia đình tôi có 2 lò hầm than được xây trên đất của gia đình. Ở đây chúng tôi còn có nhà cửa, đất đai sản xuất. Còn nếu dời vào khu qui hoạch thì rất khó vì vào đó phải thuê đất xây lò, xa sông rạch, chi phí sản xuất phát sinh nhiều, còn nhà cửa, vườn tược bỏ cho ai”.
Ông Chi cũng cho rằng, xây dựng hệ thống xử lý khói bụi kinh phí quá cao, mỗi hệ thống khoảng trên 20 triệu, lại phải thêm tiền sử dụng điện. Ngoài ra, có người cho rằng nếu xây hệ thống xử lý thì chất lượng than không cao, nhẹ và dễ vỡ, giá thấp nên lãi không nhiều.
Nghề hầm than đã thành nghề truyền thống ở xã Xuân Hòa. Tuy nhiên, gần 1.000 lò hầm than ở đây đang thải ra môi trường lượng khói bụi khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, sản xuất của người dân. Mong muốn của bà con là chính quyền địa phương và cơ quan chức năng của huyện Kế Sách cũng như của tỉnh Sóc Trăng và các nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp khắc phục, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người làm nghề hầm than với người trồng hoa màu, cây ăn trái ở địa phương cũng như sức khỏe của người dân.
Bạch Dương