Sóc Trăng: Giảm trồng mía, người dân tạo thu nhập từ cây trồng khác
(Dân trí) - Những năm gần đây, nhiều người dân ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) lao đao khi giá mía liên tục xuống dốc. Người trồng mía thiệt hại nhiều, thậm chí phá sản. Nhiều người gắn bó lâu đời với nghề trồng mía phải chuyển sang trồng cây khác.
Ông Lê Minh Ðương- Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: Vào thời điểm giữa tháng 4/2019, giá mía nguyên liệu thương lái mua của nông dân tại ruộng chỉ từ 200 - 300 đồng/kg. Nhà máy chế biến đường thu mua với giá ở mức 800 đồng/kg với điều kiện mía phải đạt tiêu chí 10 chữ đường và bà con phải vận chuyển mía ra tận nhà máy.
Với mức giá như vậy, nông dân lỗ nặng. Mỗi công (khoảng 1.000m2), nông dân chịu thiệt từ 3 - 4 triệu đồng so với chi phí đầu tư sản xuất.
Cũng vì nhiều năm giá mía lao dốc khiến nhiều nhà nông không còn mặn mà với cây mía và đã tìm cách chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Theo ông Lê Minh Đương, hiện nay một số nông dân vẫn trồng mía nhưng không phải là mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường mà là trồng loại mía bán ép lấy nước giải khát. Nguyên nhân là thu nhập từ cây mía này cao hơn so với trồng mía nguyên liệu. Bình quân mỗi công mía ép lấy nước giải khát cho nhà nông số tiền lời từ 7 - 8 triệu đồng/công.
Theo ông Đương, năm 2018, nông dân huyện Cù Lao Dung đã chuyển hơn 1.250 ha trồng mía sang mục tiêu trồng các loại cây trồng và chăn nuôi có hiệu quả cao.
Ở xã An Thạnh 3, An Thạnh 2, thị trấn Cù Lao Dung, một số hộ dân chuyển sang nuôi thủy sản, cây ăn trái như bưởi da xanh, dừa, nhãn, ớt.
Ông Lê Minh Đương cho biết, hiện nay một số nông dân đã trồng thành công, bước đầu cho hiệu quả cao với giống nhãn Ido (giống Thái Lan) cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng mía.
Tại xã An Thạnh Nam, nhiều hộ dân đã có thu nhập cao từ việc trồng khoai cau (tên khác là khoai cao, khoai sọ, khoai môn).
Vườn cây, trong đó có cây bưởi có thể vừa là cây ăn trái vừa phục vụ tham quan du lịch sinh thái miệt vườn.
Ông Trần Hữu Phương- Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết: “Trồng khoai cau là mô hình đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân, loại cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Đầu ra khá ổn định vì loại cây này được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm. Hiện nay, toàn xã có khoảng gần 400 ha trồng khoai cau, sắp tới sẽ mở rộng, tăng diện tích trồng loại cây này”.
Theo nhiều nông dân, trồng khoai cau 3 tháng sẽ thu hoạch, năng suất từ 1,5 - 2 tấn, với giá bán hiện nay từ 14.000 đồng -16.000 đồng/kg, chi phí sản xuất khoảng từ 9 – 12 triệu đồng/công/vụ.
Bình quân, mỗi công khoai cau sẽ cho lãi từ 25 -30 triệu đồng/công/năm. So với trồng mía thì trồng khoai cau không nặng công chăm sóc, ít sâu bệnh, sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ.
Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung- ông Võ Thanh Quang cho biết thêm: “Niên vụ mía 2018 - 2019, diện tích mía ở huyện giảm còn 5.100 ha. Từ năm 2020 sẽ chỉ giữ ổn định diện tích mía từ 1.200 đến 1.500 ha, chủ yếu là giống mía ép lấy nước mà không tập trung cho nguyên liệu mía đường.
Ðể thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng các mối liên kết tiêu thụ để ổn định đầu ra cho trái cây, rau màu và chủ động phối hợp thực hiện dự án phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch của tỉnh để tăng thu nhập cho người dân. Hằng năm, huyện dành nguồn kinh phí trên 1 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất thông qua hỗ trợ tiền cây, con giống, vật tư”.
Cao Xuân Lương