1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sơ yếu lí lịch: Chìa khoá mở cho cuộc phỏng vấn

(Dân trí) - Khi nhà tuyển dụng và bạn chưa gặp nhau, sơ yếu lí lịch chính là cơ hội duy nhất và hữu hiệu nhất để bạn “tiếp thị” hình ảnh của mình đến với họ. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để có một sơ yếu lí lịch “ăn điểm”.

Nêu bật thế mạnh

 

Điều đầu tiên bạn nên làm là tự khảo sát bản thân: Bạn thích công việc gì và bạn muốn làm trong một công ty như thế nào. Đưa ra cả những điểm mạnh lẫn những điểm yếu của mình.

 

Chứng tỏ giá trị của bản thân

 

Điền vào lí lịch những điểm nổi bật gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, tránh khoe khoang sáo rỗng. Tốt hơn hết là viết theo trình tự với những dấu hiệu nhấn mạnh thành công và những kết quả bạn đạt được. Bạn không thể chỉ nói là bạn là một nhân viên bán hàng giỏi nhất của công ty cũ. Điều đó chả có nghĩ lý gì với vị giám đốc tương lai của bạn. Bạn hãy chứng minh điều đó bằng những con số, kết quả cụ thể.

 

Hãy chân thực

 

Mọi lời nói dối đều bị phát hiện, bạn nên chân thực, ghi ngày tháng một cách chính xác.

 

Hãy chọn lựa “điểm đến”

 

Đừng gửi hồ sơ xin việc tới tất cả mọi nơi, hãy lựa chọn kĩ lưỡng một nơi bạn ưng ý nhất. Chú trọng vào lịch sử phát triển của công ty, mục tiêu trong tương lai và kế hoạch để hoàn thành.

 

Hãy là “một giải pháp”

 

Cố gắng tìm ra điểm yếu của công ty và trình bày giải pháp khắc phục của bản thân. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ “choáng” khi thấy một ứng viên xa lạ lại có thể giải quyết được vấn đề của công ty mình.

 

Dù giải pháp của bạn có dở tệ thì ít ra nhà tuyển dụng cũng rất ấn tượng với sự dám nghĩ dám làm của bạn.

 

Nâng cấp và cập nhật

 

Có thể coi hồ sơ xin việc như là một văn bản “sống động” bởi vì nó tập trung thể hiện những khả năng, những đóng góp của bạn cho công ty.  Bạn nên thường xuyên nâng cấp và cập nhật thông tin để nó có vẻ tươi mới và sống động nhất khi đến tay nhà tuyển dụng.

 

Ngắn gọn

 

Đừng biến bản sơ yếu lí lịch như là một câu chuyện tiểu thuyết. Chỉ một tới hai trang là tốt nhất. Tối đa là ba trang (đó là khi bạn có nhiều kinh nghiệm làm việc từ trước).

 

Tránh những lỗi ngớ ngẩn

 

Lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi dấu câu,… đó là những lỗi ngớ ngẩn nhất nhưng lại gây hậu quả rất tệ. Thật không đáng khi công sức và cơ hội của bạn lại bị phá hỏng chỉ vì những lỗi hoàn toàn có thể kiểm soát được đó.

 

Ngọc Bích

Theo Careerbuilder