Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
“Số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 ước bằng 11 năm qua”
(Dân trí) - Ước tính cả năm 2019, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định con số 200.000 người mới tham gia BHXH tự nguyện có tính khả thi và bằng kết quả của 11 năm qua. Ngoài ra, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động việc làm và xây dựng thể chế có nhiều kết quả tốt trong 6 tháng qua.
Chiều 16/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chính sách trong lĩnh vực lao động - người có công và xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019.
Nhận định về kết quả 6 tháng qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao con số hơn 710.000 người được tạo việc làm trong nước, gần 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Chất lượng lao động tham gia XKLĐ được cải thiện, công tác định hướng và Bộ đã chú trọng hơn trong việc lựa chọn các thị trường lao động uy tín. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước ở mức 1,98 %, thấp nhất từ trước tới nay. Năm 2018, tỷ lệ trên là 2,2 %” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Số người tham BHXH tự nguyện tăng nhanh
Cũng trong 6 tháng qua, cả nước có khoảng 125.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên 400.000 người. Ước tính hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ vượt con số 450.000 người.
Nhiều hoạt động trong dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức nhiều hoạt động liên quan, trong đó có 2 sự kiện lớn là: Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 468 gia đình liệt sĩ được tổ chức tại thành phố Vĩnh Long vào ngày 22/7; chương trình gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh năng tiêu biểu toàn quốc (mất sức lao động trên 81 %) vào ngày 25/7 tại Hà Nội.
Nhận định tín hiệu tích cực từ con số trên với trước đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét: “Từ đầu năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt mục tiêu phấn đấu sẽ tăng thêm 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Với con số hơn 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện tới ngày 31/12/2018, cộng với kết quả cuối năm 2019 sẽ đạt tối thiểu 450.000 người. Nếu hoàn thành mục tiêu trên, chúng ta đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 tương đương 11 năm trước đây”.
Được biết, chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ ngày 1/1/2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006. Tuy nhiên sau nhiều năm, số lượng người tham gia chưa nhiều do các quy định về thời gian đóng hưởng còn dài, chưa đa dạng về chế độ hưởng, công tác truyền thông chưa chú trọng…Tới hết năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, kết quả trên có được nhờ sự kết hợp tổng hợp nhiều nỗ lực, như: “Công tác xây dựng chính sách, đổi mới tư duy trong cách triển khai BHXH tự nguyện, công tác truyền thông được chú trọng”.
Bên cạnh đó, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, số hộ thiếu đói đã giảm 30,9%, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,23 % so với trước đây dự kiến giảm ở mức 5,3 %...cũng là các yếu tố thúc đẩy tỷ lệ tham gia BHXH tưj nguyện tăng cao.
Giáo dục nghề nghiệp chuyển biến tích cực
Liên quan tới công tác giáo dục nghề nghiệp, 6 tháng qua, cả nước có 1,08 triệu người tham gia học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, công tác xây dựng thể chế liên quan tới giáo dục nghề nghiệp có thêm điểm sáng.
“Việc đưa thành công quy định về việc tổ chức đào tạo văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Luật Giáo dục sửa đổi đã tạo ra bước ngoặt lớn. Điều này tạo căn cứ liên thông vững chắc hơn, giúp người học tốt nghiệp PTTH có thể kết hợp học liên thông hệ cao đẳng và học văn hoá tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đó tạo sự chuyển biến có tính căn bản trong giáo dục nghề nghiệp” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Sửa Luật Lao động: Nhiều nội dung chưa có tiền lệ
Cũng trong tháng 6, được sự uỷ quyền của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012. Bộ cũng đề xuất và trình Chính phủ và Quốc hội về Công ước về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Cần chấn chỉnh nhiều bất cập
Bên cạnh việc nêu ra những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn đề cập tới nhiều vấn đề xã hội liên quan tới ngành LĐ-TB&XH còn chưa được giải quyết triệt để, gây nhức nhối thời gian qua, như: Số tai nạn lao động và cháy nổ nghiêm trọng xảy ra còn nhiều; tình trạng trẻ em bị đuối nước, bị bạo lực hoặc xâm hại không giảm và nhiều vụ chưa được xử lý kịp thời…Bên cạnh đó, tinh thần thái độ phục vụ và làm việc của một số bộ phận công chức, cán bộ ngành LĐ-TB&XH còn lơ là, chậm trễ trong giải quyết công việc.
Nhận định về điểm mới trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Việc trình dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đòi hỏi những nỗ lực lớn, bởi nhiều nội dung chưa hề có tiền lệ, như: Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…"
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu điều chỉnh những quy định mới trong dự án sửa đổi Luật Lao động sẽ đóng góp nhiều hơn trong việc thực hiện các chính sách lao động, giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng đơn cử việc đề xuất với Bộ phận soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động việc bổ sung quy định: Từ năm 2021, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động có chứng chỉ, bằng cấp.
“Đây có thể xem như là tư duy đổi mới trong việc xây dựng chính sách. Nếu quy định này được thông qua sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động đào tạo và đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên. Cũng giống như thực tế đã thực hiện trong việc bổ sung quy định đào tạo văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp tăng tỷ lệ phân luồng hướng nghiệp cũng như liên thông đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp sau này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích.
Chấm dứt hộ nghèo có thành viên là đối tượng chính sách
Về lĩnh vực người có công và giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện lộ trình xoá tình trạng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách.
“Tình trạng trên là nỗi nhức nhối và trăn trở của những người làm công tác thực hiện chính sách lao động thương binh xã hội từ nhiều năm nay. Các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu và nỗ lực phấn đấu xoá tình trạng trên trước tháng 7/2020”.
Gợi ý các giải pháp xử lý tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các cơ quan chuyên môn xác định cụ thể các tỉnh, thành còn tình trạng hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công, qua đó Bộ sẽ gửi công văn yêu cầu các giải pháp xoá tình trạng trên.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng gợi ý việc tập trung nguồn lực tài chính từ việc quyên góp nhân Ngày vì người nghèo VN (17/10) tới đây để hỗ trợ sổ tiết kiệm cho các đối tượng trên. Đây là cách làm để hỗ trợ việc thoát nghèo bền vững..
Hoàng Mạnh