1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Sợ" lao động có thâm niên?

Câu chuyện doanh nghiệp FDI có hiện tượng “sa thải” người lao động trên 35 tuổi một lần nữa làm nóng dư luận.

Mới đây đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam một lần nữa chỉ ra rằng, việc này đang diễn ra ngày một nhiều. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trước đó trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã khẳng định không có chuyện doanh nghiệp FDI sa thải 80% lao động ở tuổi 30-35.

Chính vì vậy, câu chuyện này gây ra nhiều ý kiến trái chiều, bởi, khối doanh nghiệp FDI luôn “kêu” thiếu nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu của họ.


Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra, 78,4% số vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI.

Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra, 78,4% số vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI.

Xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường?

Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, đưa ra cái lý của mình, một trong những đơn vị chuyên cung cấp nhân sự cho các doanh nghiệp FDI, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc công ty Manpower khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chỉ ra rằng: “Với sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao kỹ năng là không thể tránh khỏi. Rất nhiều ngành công nghiệp mới phát triển, sử dụng các trang thiết bị mới và tất yếu người lao động phải nâng cao năng lực của mình”.

Điều này dường như là thách thức mà người lao động Việt Nam đang phải đối mặt khi công ty này cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam chỉ có 11% là lao động có tay nghề cao, 49% có tay nghề trung bình và 40% không có chuyên môn…

Có cùng góc nhìn, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng cần nhìn nhận đây là một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. “Khả năng bắt kịp khoa học công nghệ của người lao động giảm sút nhiều theo tuổi tác, buộc doanh nghiệp phải tìm cách sa thải để tuyển những lao động mới”.

Tuy nhiên, số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra, 78,4% số vụ đình công xảy ra tại các doanh nghiệp FDI. Theo đó, các doanh nghiệp FDI cũng đang tạo ra nhiều áp lực để người lao động không dễ hoàn thành công việc và sa thải người lao động trên 35 tuổi.

Phân tích rõ hơn về 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động trên 35 tuổi bị “sa thải”, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động (TLĐLĐVN) cho biết: “Thứ nhất, một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35; Thứ hai, với chính sách lương hiện hành, người có thâm niên cao doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao và đương nhiên có mức đóng BHXH cao, điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp; Thứ ba, một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi nguồn lao động trẻ còn khá dồi dào”.

Tìm hiểu một trong những nguyên nhân Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ ra, một công nhân từng làm tại KCN Bắc Thăng Long cho biết, mặc dù không trực tiếp sa thải, tuy nhiên, đến một độ tuổi nhất định, các công ty thường áp dụng cách luân chuyển sang những vị trí việc làm không phù hợp, tạo áp lực cho người lao động, từ đó để người lao động chủ động xin nghỉ việc. Tuy nhiên điều đáng chú ý hơn cả, cũng theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có hiện tượng một số doanh nghiệp tìm mọi cách vận động người lao động thôi việc.

Lỗ hổng từ pháp luật?

Hệ luỵ từ việc bị “sa thải” ở độ tuổi này là người lao động khó xin việc ở nơi khác cũng như tiếp tục tham gia BHXH. Bởi họ thường sẽ chọn hưởng BHXH một lần, điều này sẽ làm gia tăng lao động nhận trợ cấp một lần trên thị trường lao động cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội của Việt Nam.

Tuy vậy, theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Đây quả thực là sự bất cập giữa đảm bảo việc làm lâu dài bền vững với đảm bảo cơ chế thị trường linh hoạt và thoả thuận”. Theo vị này, doanh nghiệp có nhiều cách “lách luật” để người lao động có tuổi ra khỏi khu vực lao động của doanh nghiệp mình.

Vì vậy, ông Lê Đình Quảng đề xuất: “Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là chính sách về quan hệ lao động theo hướng đảm bảo việc làm bền vững cho cả người lao động và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp”. Ngoài ra, về khâu tổ chức pháp luật, ông Quảng cũng đề xuất cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để xử lý thông tin kịp thời những hành vi vi phạm Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn và Luật BHXH.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, chính sách thu hút FDI sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng của chính sách đó là chú trọng giải quyết vấn đề đặt ra đối với người lao động, đồng thời lựa chọn những nhà đầu tư có chất lượng cao hơn.

Theo Báo Diễn đàn Doanh nghiệp