1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sinh viên Trung Quốc khốn đốn tìm việc thời kinh tế suy giảm

(Dân trí) - Kinh tế giảm tốc, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phá sản đang khiến hàng triệu sinh viên Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn khi tìm việc. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chỉ khoảng 42%.

Cơ hội tìm việc của các sinh viên đại học Trung Quốc đang thực sự căng thẳng khi đúng vào năm nước này đón lượng kỷ lục 6,8 triệu sinh viên ra trường cũng là lúc nền kinh tế giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Cảnh chen lấn thường thấy ở một hội chợ việc làm tại Trung Quốc
Cảnh chen lấn thường thấy ở một hội chợ việc làm tại Trung Quốc

“Thị trường việc làm cho sinh viên hiện tồi tệ nhất kể từ năm 2009”, Jennifer Feng, trưởng bộ phận tuyển dụng của công ty nhân sự 51job Inc. tại Thượng Hải cho biết. Trong khi đó tại Bắc Kinh, người phát ngôn của công ty nhân sự ChinaHR.com, một chi nhánh của Monster Worldwide Inc nhận định tình hình hiện còn xấu hơn cả năm 2011.

Thống kê mới nhất của MYCOS Data, một trong những công ty dịch vụ dữ liệu giáo dục lớn nhất Trung Quốc cho thấy, tính đến ngày 25/6/2012, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm chỉ là 42%. Trước đó hồi tháng 3 trong kỳ họp quốc hội, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng công bố 78% sinh viên tốt nghiệp trong năm 2011 có việc làm.

Một dữ liệu đáng quan tâm nữa đó là, theo thống kê của Trung tâm dữ liệu, đại học Tsinghua được tờ China Youth Daily đăng tải, mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên đại học tại Trung Quốc năm 2011 chỉ là 2719 nhân dân tệ/tháng (tương đương khoảng 427 USD). Những sinh viên có lương khởi điểm thấp nhất chỉ nhận được vỏn vẹn 500 nhân dân tệ/tháng (khoảng 78 USD) và có đến 69% sinh viên tốt nghiệp trong năm ngoái chỉ được trả chưa tới 2000 nhân dân tệ/tháng (314 USD).

Điều đó có nghĩa là dù được đào tạo bài bản, lương của sinh viên Trung Quốc còn thua cả lao động nhập cư từ các vùng nông thôn, những người được nhận trung bình 2049 nhân dân tệ/tháng. Do tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng, các công nhân có tay nghề tại Trung Quốc thường có thu nhập cao hơn nhiều sinh viên mới ra trường. Ở thời kỳ cao điểm không ít công nhân tay nghề cao được trả tới 10.000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 1.570 USD).

Tình hình này đang khiến không ít sinh viên Trung Quốc bức xúc bởi họ cho rằng mình đã phải rất vất vả mới vào được đại học và còn phải mất nhiều năm học tập, vượt qua các kỳ thi. Thế nhưng khi ra trường lại chỉ được trả lương thấp hơn người lao động chân tay.

Mặt khác hiện tượng này cũng cho thấy sự mất cân đối trong hệ thống đào tạo của Trung Quốc, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Hiện tỷ lệ đăng ký học đại học, cao đẳng của nước này đã lên tới 60%. Ở một số vùng con số này còn cao hơn.

Điều này đã khiến chính phủ Trung Quốc không khỏi lo ngại bởi tình trạng thiếu công ăn việc làm rất dễ dẫn đến tư tưởng bất mãn trong xã hội. Mới tuần trước đích thân thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải cảnh báo về mức độ đáng ngại của triển vọng thị trường việc làm và hối thúc các địa phương tích cực tạo công ăn việc làm cho các sinh viên mới ra trường và lao động nhập cư.

“Việc sinh viên ra trường thất nghiệp khiến chính phủ lo lắng bởi nó có nguy cơ gây bất ổn xã hội”, Willy Wo- Lap Lam, giáo sư sử học tại đại học Hồng Kông nhận định. “Sinh viên tốt nghiệp là những người được đào tạo bài bản và họ biết cách huy động quần chúng biểu tình”.

Thanh Tùng
Tổng hợp