1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm về đâu?

Nếu trong 5 năm tới giáo dục bậc tiểu học không tuyển giáo viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng thì tương lai của sinh viên và các trường đào tạo sư phạm sẽ ra sao?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đề xuất không tuyển mới giáo viên (GV) dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm (TCSP) hoặc cao đẳng sư phạm (CĐSP) trong 5 năm tới bởi cả nước còn gần 160.000 giáo viên tiểu học cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn.

Nâng chuẩn giáo viên tiểu học

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm tháng 1-2018, trình độ GV tiểu học về cơ bản đã đạt trên chuẩn so với quy định của Luật Giáo dục hiện hành. Cụ thể, tổng số GV tiểu học cả nước là 396.203, trong đó, trình độ dưới TCSP là 178 GV, trình độ TCSP là 36.530 GV, trình độ CĐSP là 123.226 GV, trình độ ĐH là 236.269 GV.

Sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm về đâu? - 1

Hơn 160.000 giáo viên tiểu học sẽ được nâng chuẩn Ảnh: TẤN THẠNH

Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng đặt ra nhiệm vụ: "Tiến tới tất cả các GV tiểu học, trung học cơ sở, GV, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ ĐH trở lên, có năng lực sư phạm". Điểm a khoản 1 điều 72 Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 điều 77 của Luật Giáo dục quy định GV có bằng CĐSP đối với GV mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐHSP đối với GV tiểu học.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có 59,63% GV tiểu học đạt trình độ đào tạo từ ĐHSP trở lên và còn 40,36% (159.934 GV) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn. Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ GV từ TCSP, CĐSP lên ĐHSP trong thời gian khoảng 5 năm và chủ trương không tuyển mới GV dạy tiểu học có trình độ TCSP hoặc CĐSP.

Theo đó, đối với những GV chưa đạt chuẩn còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐHSP phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức "cuốn chiếu" cùng với lộ trình triển khai hằng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thực chất, không chạy theo số lượng.

Đối với những GV chưa đạt trình độ ĐH còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương phối hợp với các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.

Bằng ĐH có nâng được chất lượng tiểu học?

Đại diện các trường trung cấp, CĐ đào tạo ngành sư phạm tiểu học cho rằng nâng chuẩn là tốt nhưng trình độ ĐH không phải là cách để giải quyết nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học.

TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho rằng ở bậc tiểu học, việc dạy và dỗ là chiếm tỉ lệ ngang nhau. Bậc tiểu học cần GV có năng lực dạy học và tâm lý thương yêu trẻ nên đừng đặt nặng trình độ ĐH. Hiện nay, việc tuyển dụng GV tiểu học trình độ tốt nghiệp trung cấp, CĐ đã khó nên việc nâng chuẩn lên ĐH chắc chắn sẽ khó hơn cho việc tuyển dụng sau này.

Theo ông Sáng, nếu bộ quyết chủ trương nâng chuẩn, trước tiên phải chuẩn bị chính sách tiền lương, nếu không sẽ gặp khủng hoảng. Nếu Bộ GD-ĐT bảo đảm được chính sách tiền lương thì cơ cấu trình độ thực hiện từng bước là không khó. "Đừng đặt rào cản trình độ, nếu không chắc chắn sẽ thất bại" - ông Sáng nói.

Hiệu trưởng một trường CĐ có đào tạo ngành sư phạm nêu quan điểm rằng nâng chuẩn là cần thiết nhưng Bộ GD-ĐT cần đặt ra lộ trình để các trường còn có sự chuẩn bị. Lỡ như từ 2019 không tuyển GV tiểu học trình độ trung cấp, CĐ thì các trường chắc chắn không tuyển sinh được. Vậy thì đội ngũ giáo viên dạy các trường TC, CĐSP sẽ làm gì, sống ra sao? Và số lượng hàng ngàn sinh viên đang học tại các trường này sẽ đi đâu, về đâu khi ra trường. "Thay vì đào tạo bổ sung để nâng chuẩn lực lượng hiện hữu thì cứ mạnh dạn đào tạo mới đáp ứng chuẩn mới" - vị này đề xuất.

TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết những năm qua, ngoại trừ 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, kết quả tuyển sinh của những ngành còn lại tuy không tốt, thậm chí không thể mở lớp. Vì vậy, nếu bậc tiểu học không tuyển dụng GV tốt nghiệp TC, CĐ thì trường càng khó khăn hơn. Ông Chiến cho rằng với bậc giáo dục tiểu học, GV có trình độ CĐ là đủ, vấn đề là chất lượng chứ không phải bằng cấp.

Không chỉ bằng cấp mà còn kỹ năng

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường đào tạo sư phạm bậc TC và CĐ còn lại không nhiều nhưng trước mắt vẫn phải dùng nhân lực có trình độ CĐ sau đó hạn chế dần. Tất cả GV phải đổi mới, kể cả tốt nghiệp ĐH sư phạm cũng phải bớt dạy hàn lâm mà tăng cường tính chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn nghề nghiệp của GV. Giáo dục Việt Nam cứ mải cãi nhau về trình độ mà không đi vào bản chất phân tích nghề, việc và kỹ năng nào cần để từ đó cung cấp kiến thức cần thiết cho họ.

Theo Huy Lân/Báo Người Lao động