1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sinh viên thất nghiệp cố trụ lại Hà Nội “bóp mồm bóp miệng” chờ qua dịch

Nhiều sinh viên ở lại Hà Nội tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình chuẩn bị học phí và sinh hoạt phí cho năm học mới.

Thế nhưng, dịch Covid-19 tái bùng phát, việc làm ngày càng hạn chế, nhiều sinh viên thất nghiệp, lâm vào cảnh "về cũng dở, ở không xong"...

Sự bùng phát trở lại của dịch covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ lâm vào khó khăn, không ít cơ sở đứng trước nguy cơ đóng cửa do doanh thu thấp, tiền thuê mặt bằng cao. Để có thể giảm bớt gánh nặng về tài chính, nhiều nơi đã thực hiện cắt giảm nhân sự để giảm bớt chi phí.

Chị N.T.L, quản lý cửa hàng đồ uống  tại trung tâm thương mại Royal phản ánh, cửa hàng của chị hiện rất vắng khách do dịch Covid - 19. Thông thường vào mùa hè, cửa hàng phải tuyến thêm nhân viên. tuy nhiên năm nay, từ đầu tháng 7, cửa hàng phải cắt giảm nhân sự.

"Trước khi dịch bùng phát trở lại, mỗi ca có 5 nhân viên làm việc nhưng từ cuối tháng 7 doanh thu thấp nên cửa hàng phải cắt giảm nhân sự thời vụ. HIện mỗi ca chỉ còn 2 người", chị L chia sẻ.

Là quản lý của một cửa hàng thời trang online tại Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), chị N.T.B cho biết, thời gian đầu dịch covid-19, tháng 2-3/2020, do giãn cách xã hội nên nhu cầu mua sắm online tăng mạnh nên của hàng chị tuyển thêm khá đông nhân viên. Tuy nhiên, sau đó kinh doanh online có phần chững lại, nhu cầu mua sắm của khách hàng có phần giảm đi.

Sinh viên thất nghiệp cố trụ lại Hà Nội “bóp mồm bóp miệng” chờ qua dịch - 1

"Cuối tháng 7 dịch bùng phát trở lại khiến cho việc kinh doanh của cửa hàng không thuận lợi nên cúng tôi phải cắt giảm đi 1/3 nhân sự. Bình thường là 30 nhân viên hiện tại chỉ còn lại khoảng 10 người. Số giờ làm và ca làm cũng giảm. Nhân viên cửa hàng chủ yếu là các bạn sinh viên đi làm thêm, hoàn cảnh khó khăn, nhưng tình hình chung là như thế nên chúng tôi không còn cách nào khác là giảm nhân sự để giảm bớt chi phí”, chị B nói.

Sinh viên thất nghiệp cố trụ lại Hà Nội “bóp mồm bóp miệng” chờ qua dịch - 2
Nhiều sinh viên mất việc làm thêm do dịch Covid -19. Ảnh minh họa.

Như lời chị B, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh thu hẹp hoạt động đã tác động trực tiếp tới đội ngũ sinh viên làm thêm, nhất là sinh viên ngoại tỉnh. Kết thúc năm học, Lý Thị Nhật (sinh viên năm thứ ba trường Đại học Luật Hà Nội) vào làm nhân viên phục vụ bàn tại một nhà hàng tại Thủ đô. Tuy nhiên, dịch tái bùng phát, khách ít dần và nhà hàng cắt giảm nhân sự.

"Những sinh viên đi làm bán thời gian như em phải nghỉ việc rất nhiều. Mất việc cũng đồng nghĩa với mất đi một khoản chi phí để lo cho cuộc sống hàng ngày, tiền sinh hoạt, tiền học ngoại ngữ... không tự lo được, chắc em lại phải xin gia đình”, Nhật buồn bã.

Ngô Thị Hạnh, sinh viên năm thứ 3 trường Đại Học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đi làm thêm mảng tổ chức sự kiện từ năm thứ nhất để trang trải sinh hoạt, ăn ở. Nhưng do dịch Covid - 19, dịch vụ tổ chức sự kiện gần như "đóng băng" do hạn chế tụ tập đông người. Nhân viên hỗ trợ tổ chức sự kiện như Hạnh đều phải nghỉ việc.

"Công việc cũ không thể tiếp tục mà tìm việc mới thời gian này vô cùng khó. Nhưng về quê cũng không biết làm gì để có thêm thu nhập vì gia đình em làm nông nghiệp, bố mẹ sức khỏe yếu, chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Còn ở lại Hà Nội thì tiền trọ, tiền sinh hoạt phí đắt đỏ mà chưa biết sắp tới lấy tiền đâu để trang trải. Giờ đã phải vay bạn rồi. Nhưng dù sao, ở lại Hà Nội còn hy vọng có việc làm...“, Hạnh bộc bạch.

May mắn hơn, Nguyễn Ngọc Tú, sinh viên năm hai, trường Đại học Thủy Lợi, có vẻ vẫn xoay xở được, dù phải "thắt lưng buộc bụng". Bình thường, thu nhập của Tú dao động khoảng 2,5-3 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm nhiều đơn hàng, có thể được trả 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.

Dịch Covid - 19 bùng phát, Tú cũng như nhiều nhân viên khác trong công ty buộc phải giảm giờ làm. Hiện tại thu nhập của Tú chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng, tiền nhà trọ đã gần 1 triệu đồng/ tháng. "1-2 tuần gần đây em phải ăn mì tôm nhiều hơn. Khó khăn hơn rất nhiều nhưng em cố gắng ở lại Hà Nội, mong sớm hết dịch để có thể quay lại làm việc và đến trường bình thường”, Tú nói.