1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sinh viên làm thương nhân qua blog

Không cần mặt bằng, nhân công nhiều, vốn lớn... không gian ảo này đang là nơi các bạn trẻ thể thỏa thích thể hiện những ý tưởng kinh doanh độc đáo của mình.

Chủ nhân của blog Where_here, Trần Phương Tâm - sinh viên khoa Ngữ văn Anh ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, đang theo học chương trình trao đổi sinh viên tại ĐH Sun Moon (Hàn Quốc). Từ nhỏ thích kinh doanh, Tâm đã không bỏ qua cơ hội được thử sức.

 

Từ những trang web bán hàng thời trang - một dịch vụ mua bán thông dụng tại Hàn Quốc hiện nay, Tâm đặt hàng, chuyển tiền và có người giao tới. Những lúc rảnh rỗi, Tâm tranh thủ ghé thăm các cửa hàng thời trang, trung tâm mua sắm, rồi thâm nhập vào đám bạn cùng học bên đó để nắm bắt được thị hiếu thời trang của người tiêu dùng, mà cụ thể là giới trẻ.

 

Khi hàng về, thành viên còn lại của Where_here blog, Nguyễn Cao Thụy Vy - sinh viên ĐH Hoa Sen (TPHCM) là người chịu trách nhiệm phân phối. Không chỉ dừng lại ở đó, Vy còn nhìn thấy một thị trường tiềm năng qua những đồ second-hand "xịn" giúp nhiều bạn trẻ có thể chọn cho mình nhiều bộ quần áo hàng hiệu với giá tiền vừa phải.

 

Để thực sự trông bắt mắt, hàng hóa phải đảm bảo được yếu tố độc đáo, mới lạ về kiểu dáng so với các blog khác, hoặc thậm chí với những cửa hàng thời trang. Nắm được bí quyết đó, các "thương nhân" trên blog luôn tạo ra những điều mới lạ. Bộ đôi Trần Thị Thu Trang - sinh viên khoa Kế toán - Tài chính trường ĐH Tôn Đức Thắng và Dương Ngọc Lan - sinh viên khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Hoa Sen đã chọn sản phẩm là các đồ trang sức tự tạo tại "C.S.shop". Từ những phụ kiện mua từ bên ngoài, như các hạt pha lê, hạt cườm, dây cước, móc tròn, móc vuông..., hai đôi tay khéo léo đã kết thành những món hàng handmade nhỏ xinh thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ như khuyên tai, dây chuyền, vòng tay, móc điện thoại...

 

Liều mạng với rủi ro

 

Không phải mất tiền thuê mặt bằng, thuê nhân công, cũng không đòi hỏi trình độ cao về công nghệ thông tin để có thể viết web, đăng ký tên miền, đóng tiền thuê bao hằng tháng..., blog hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Chỉ với 5 triệu đồng, cả Tâm và Vy, Trang và Lan hay bất cứ ai đều có thể khởi nghiệp. Hơn nữa, đang trong thời kỳ "đỉnh" của trào lưu giới trẻ chơi blog, thế mạnh của blog còn ở hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ và nó được xem như hệ thống quảng cáo hữu hiệu và miễn phí cho các blogger.

 

Đầu tư ít nên giá thành các sản phẩm cũng khá mềm, dù cho hàng nhập ngoại chính gốc, ví dụ chỉ hơn 100.000 đồng đã đủ để sở hữu một bộ đầm xinh tại Where_here, Hay một đôi khuyên tai tại C.S.shop's blog chỉ với... 8.000 đồng.

 

Đã thế, với nhiều quý cô lười biếng thì việc ngồi ngay tại phòng làm việc mà vẫn có thể chọn mua được hàng độc với giá phải chăng thì không còn gì bằng. Tuy nhiên, đây cũng chính là mặt hạn chế của dịch vụ bán hàng qua blog. Bởi chỉ được lựa chọn từ những hình ảnh, không được sờ mó, không được mặc thử vào người, phải trả tiền trước và một khi đã đặt rồi thì không được trả lại, rồi phí vận chuyển, phí ngân hàng... đều là những nỗi than phiền của khách hàng, dù cho họ dễ tính đến độ nào đi nữa. Không chỉ khách hàng, với người mua hàng qua web như Tâm phải chuyển khoản trước khi nhận hàng thì "cũng phải liều mạng với rủi ro".

 

Chưa thể làm khác quy trình này, nhưng một cách linh hoạt và năng động, các nhà kinh doanh trẻ này đã sử dụng một số chiến thuật để làm hài lòng khách hàng. Những liên hệ qua chat, comment, điện thoại... khách hàng được cung cấp những thông tin chi tiết hơn về sản phẩm, thậm chí còn nhận được những tư vấn thời trang miễn phí để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.

 

Cả buổi chiều ngồi post hình lên mạng, những buổi trưa Sài Gòn nắng cháy chạy xe giao hàng, một đôi ngày không có khách ghé thăm hay chỉ năm bảy nghìn đồng lời cho một dây chuyền phải bỏ công kết hàng giờ... tất cả đều là "chuyện nhỏ". Với họ, được thể hiện niềm say mê, được thử sức mình để biết mình trưởng thành là đã... quá đủ.

 

Theo Thanh Niên